Một số vấn đề về công tác luân chuyển cán bộ hiện nay.

Cách đây gần 10 năm, ngày 25-1-2002,Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 11-NQ/TƯ “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý”. Theo quan điểm về công tác cán bộ của Đảng ta thì luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý là nhằm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, trong quy hoạch, chưa kinh qua cán bộ chủ chốt cấp dưới được rèn luyện trong thực tiễn.

Đây được xem là khâu có tính đột phá. Do đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ thực tế ,NQ đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Trong phạm vi Hà Tĩnh, các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở đã nắm vững luân chuyển là biện pháp tích cực để đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Từ đó, các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch cụ thể, rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ hiện có, lựa chọn cán bộ trong diện quy hoạch;xem xét năng lực, sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị để xác định nơi luân chuyển, bố trí công việc cho phù hợp.

Theo số liệu của Ban tổ chức Tỉnh uỷ, trong nhiệm kỳ 2005-2010, BTV Tỉnh uỷ đã điều động 86 cán bộ, 8 lượt các đồng chí là Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, 30 lượt các đồng chí Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh,100 lượt là các đồng chí là cấp trưởng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chủ trì cấp huyện. Một số đơn vị như: Thành phố Hà Tĩnh, Đức Thọ,Hương Khê, Thạch Hà....là những đơn vị thực hiện tương đối tốt công tác luân chuyển cán bộ. Chỉ tính riêng Thành phố Hà Tĩnh, trong 5 năm 2005-2010, số cán bộ diện BTV Thành uỷ quản lý được luân chuyển là 37 đồng chí; trong đó luân chuyển xuống phường, xã giữ vị trí chủ chốt 9 đồng chí…Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, công tác luân chuyển cán bộ càng được coi trọng.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy việc tổ chức thực hiện trong những năm qua đã nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên về luân chuyển cán bộ ,góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, tình trạng khép kín về cán bộ trong từng ngành, từng huyện, thành phố, thị xã. Đồng chí Lê Đăng Chất - Phó bí thư Thành uỷ Hà Tĩnh cho rằng “luân chuyển cán bộ nhằm đào tạo ,bồi dưỡng,rèn luyện cán bộ trẻ,giúp cán bộ trưởng thành,toàn diện và vững vàng hơn”. Mặt khác qua công tác luân chuyển từng bước điều chỉnh,bố trí cán bộ một cách hợp lý. Bài học luân chuyển cán bộ về các huyện, thị, thành phố cũng như một số địa phương: Phú Phong (Hương Khê), Thái Yên (Đức Thọ)…rất rõ. Những đơn vị đó có thời kỳ yếu do nội bộ lình xình, khi được luân chuyển những cán bộ có phẩm chất và năng lực về chủ trì,phong trào chuyển biến tích cực, trở thành đơn vị vững mạnh,phát triển toàn diện.

Từ những kết quả trên cho thấy, luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng, tạo bước đột phá trong

công tác cán bộ, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Hầu hết cán bộ được luân chuyển đều phấn khởi, an tâm công tác, cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, có bước trưởng thành,tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường công tác, tạo được phong trào và cách làm mới, bước đầu phát huy tác dụng, được cấp uỷ và nhân dân tín nhiệm. Một số nơi, luân chuyển cán bộ tạo được sự chuyển biến tích cực đối với đội ngũ cán bộ kế cận theo quy hoạch, tạo được nguồn cán bộ khá phong phú, khắc phục dần tình trạng hẫng hụt, bị động, chắp vá trong công tác cán bộ. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn một số ít cấp uỷ Đảng và cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ, chưa nhận thức rõ giữa luân chuyển cán bộ theo quy hoạch với điều động, bố trí, sắp xếp theo yêu cầu nhiệm vụ trước mắt. Có nơi chưa chủ động xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ, không gắn công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng với luân chuyển cán bộ. Một số đồng chí chậm tiếp cận với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị nơi luân chuyển đến, từ đó ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả công tác…

Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy khi xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ phải tiến hành đồng bộ cả cách làm và bước đi. Kết hợp chặt chẽ các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo,bồi dưỡng ,sử dụng và bố trí cán bộ trước và sau thời gian luân chuyển. Ngoài việc bám sát quy hoạch,phải căn cứ vào năng lực, sở trường của cán bộ và yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị mới để bố trí công việc phù hợp. Trong thời gian luân chuyển,cấp uỷ phải thường xuyên kiểm tra,theo dõi,kịp thời giúp đỡ cán bộ luân chuyển vượt qua khó khăn,khắc phục những mặt yếu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời phải có nhận xét, đánh giá sau khi luân chuyển. Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của các cấp uỷ cần chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ cho cán bộ luân chuyển về tư tưởng,sự hiểu biết về công tác xây dựng Đảng và tình hình nơi cán bộ được luân chuyển đến để tiếp cận nhanh điều kiện và môi trường công tác mới. Có chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển an tâm công tác,nhất là những nơi còn nhiều khó khăn.

Thực tế cũng đòi hỏi các cấp,các ngành cần phải tiếp tục quán triệt NQ 11 của Bộ Chính trị,nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo,quản lý trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời xây dựng kế hoạch,giải pháp cụ thể về luân chuyển cán bộ cấp mình quản lý, đặng góp phần làm tốt công tác luân chuyển cán bộ trong thời kỳ mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast