Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại cấp cơ sở

(Baohatinh.vn) - Thực tế công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp cơ sở những năm qua còn bộc lộ nhiều yếu kém. Ngoài nguyên nhân khách quan về cơ chế, chính sách, tổ chức, bộ máy, trình độ, năng lực cán bộ... còn có yếu tố chủ quan quan trọng.

Chánh Thanh tra tỉnh Thái Sinh đại diện ủy quyền của UBND tỉnh trong một vụ án hành chính

Chánh Thanh tra tỉnh Thái Sinh đại diện ủy quyền của UBND tỉnh trong một vụ án hành chính

Đó là chính quyền cơ sở chưa tập trung, chưa dành thời gian phù hợp cho công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khi phát sinh vụ việc, chính quyền nhiều khi còn chậm trễ, qua loa, né tránh, đùn đẩy. Mặt khác, cấp trên cơ sở cũng chưa sâu sát, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo; có nhiều đoàn công tác xuống cơ sở nhưng chỉ nghe báo cáo, chỉ đạo chung chung, không đưa ra được biện pháp thiết thực giúp chính quyền và nhân dân địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, cấp huyện và cấp tỉnh, cấp T.Ư trong việc giúp đỡ chính quyền cơ sở có lúc còn chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả.

Để chủ trương hướng về cơ sở nói chung và công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở nói riêng thiết thực, hiệu quả, thời gian tới, đối với cấp trên cơ sở, cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ cơ sở một cách hiệu quả từng vụ việc hoặc nhóm vụ việc, tránh trùng lắp, chồng chéo; trường hợp cần thiết có thể kết hợp liên ngành để việc giúp đỡ đạt hiệu quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, tiếp tục phân công cụ thể từng nhóm các ban, ngành, đoàn thể để giúp đỡ từng địa phương cơ sở cụ thể trong kiểm tra, giám sát các lĩnh vực tại các xã, phường, thị trấn và tham dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố; định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động hướng về cơ sở của từng cơ quan, đơn vị nhằm biểu dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt, phê bình các đơn vị làm chưa tốt, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm.

Cơ sở cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chú trọng Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các chính sách về đất đai, chế độ người có công, quy chế dân chủ cơ sở, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân nhằm giúp người dân hiểu, tự giác chấp hành pháp luật, thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, chấp hành nghiêm thỏa thuận hòa giải hoặc quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.

Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện làm việc, chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã. Điều quan trọng nữa là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Có chế độ đãi ngộ đối với cán bộ kiêm nhiệm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; định kỳ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đội ngũ cán bộ cơ sở về các tiêu chí: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ… làm cơ sở đánh giá chính xác, khách quan đội ngũ cán bộ cơ sở; đồng thời, tiến hành bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, kiên quyết thay thế những cán bộ yếu, kém, vi phạm khuyết điểm, tín nhiệm thấp… tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Ngoài ra, các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan cần chủ động phối hợp giải quyết các tranh chấp ngay tại cơ sở khi có mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân thông qua các biện pháp hòa giải; tuyên truyền, giáo dục, giải thích chính sách, pháp luật, nhằm nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Đặc biệt là tăng cường hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân, tổ hòa giải ở cơ sở để phòng ngừa, hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; phát hiện và kiến nghị chính quyền giải quyết kịp thời những thiếu sót, vụ việc tiêu cực; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền ở cơ sở. Khi có vụ việc phát sinh, cần thông tin, báo cáo lên cấp trên trực tiếp (huyện, tỉnh) để nắm bắt và cho ý kiến xử lý đảm bảo quy định ngay từ đầu.

Để chủ trương hướng hoạt động về cơ sở, phục vụ cơ sở, gần dân, vì dân của Đảng và Nhà nước nói chung, công tác thanh tra nói riêng đạt kết quả cao nhất, các cấp, ngành cần triển khai các hoạt động đi vào thực chất, thiết thực, tránh cách làm máy móc, hình thức, đối phó ở một số địa phương như hiện nay.

Phó chánh Thanh tra tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast