Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố (Bài 2): Khó khăn, bất cập và lời giải về cơ chế, chính sách

(Baohatinh.vn) - Vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố rất quan trọng. Song, còn quá nhiều khó khăn, bất cập liên quan đến đội ngũ cán bộ này. Đã đến lúc cần có những sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách.

>>Bài 1: Giải bài toán về huy động sức dân

Những khó khăn, bất cập

Cán bộ thôn, tổ dân phố phải triển khai rất nhiều chủ trương, chính sách, thậm chí phải chịu trách nhiệm, có khi bị kỷ luật nếu làm không đúng, thế nhưng, họ đều thiếu kiến thức về pháp luật, không nắm vững các quy trình, quy định cụ thể.

Trung tâm hành chính xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu của xã nông thôn mới. Ảnh: Sỹ Ngọ
Trung tâm hành chính xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu của xã nông thôn mới. Ảnh: Sỹ Ngọ

Bên cạnh đó, đội ngũ này thường có độ tuổi cao, biến động thường xuyên, thậm chí, một số tổ chức đoàn thể có giai đoạn không có người đứng đầu (nhất là chi đoàn). Chính điều này đã làm cho công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nội lực, ngoại lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế, phòng chống thiên tai...

Đánh giá về đội ngũ cán bộ thôn của đơn vị mình, ông Mai Khắc Tám - Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc (Can Lộc) thẳng thắn: “Đội ngũ cán bộ thôn của chúng tôi đa phần tuổi đời cao, nhất là bí thư chi bộ, có nhiều đồng chí là cán bộ về hưu. Họ rất nhiệt tình nhưng để hoạt động có khuôn khổ, bài bản thì rất khó khăn vì không được đào tạo kiến thức chuyên môn, thiếu các kỹ năng trong công tác, một số người sức khỏe không đảm bảo”.

Đích của chủ trương, chính sách cuối cùng vẫn là người dân. Ở đó, mấu chốt trong triển khai thực hiện là cán bộ thôn, tổ dân phố. Điều này đã đặt lên vai những cán bộ không chuyên trách này những trọng trách nặng nề, nhất là sau khi sáp nhập thôn, phạm vi quản lý mở rộng. Tuy nhiên, chế độ, chính sách hiện tại cho đội ngũ này còn chưa tương xứng. Mỗi bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chỉ được hưởng 920.000 - 1.150.000 đồng tùy từng địa phương.

Ông Dương Hồng Vinh - Tổ trưởng tổ dân phố 4, phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) hài hước: “Số tiền đó không đủ để đi thăm mừng, hiếu hỉ. 130 hộ với hơn 450 nhân khẩu, ngành nghề khá đa dạng nên việc vận động, tuyên truyền, triển khai các chủ trương gặp nhiều khó khăn, có khi triển khai cuộc họp thiếu vắng quá nhiều, nhất là công chức. Chỉ riêng việc vận động không rải vàng mã khi đưa tang, không sử dụng lòng đường dựng rạp đám cưới; hay mới đây, vận động thành lập đội văn nghệ biểu diễn chào mừng thành lập phường đã là thử thách vì mình không có “công cụ” gì bắt buộc được họ. Đó là chưa nói khi triển khai các công việc lớn hơn như xây dựng nhà văn hóa”. Dẫu vậy, vì nhiệt huyết với phong trào, ông vẫn khẳng định: “Chúng tôi không làm việc vì tiền mà vì người dân tín nhiệm. Bà con tín nhiệm thì chúng tôi cố gắng hết sức”. Để “níu chân” cán bộ mà chỉ trông chờ vào sự tín nhiệm của người dân thì rõ ràng cách thức này chưa thể xem là bền vững.

Lời giải về cơ chế, chính sách

Không thể chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố, nhưng để bù đắp phần nào lỗ hổng trong hiểu biết về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác, các cấp từ huyện đến cơ sở phải tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, nâng cao trình độ, nhất là khi có chủ trương, chính sách mới. Đã có những đợt tập huấn cho cán bộ thôn, tổ dân phố như tại huyện Đức Thọ, Thạch Hà (1 năm tổ chức 1-2 đợt), thế nhưng, chừng đó vẫn chưa đủ để trang bị cho đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố “cẩm nang” cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Trong nhiều năm qua, cán cân giữa trọng trách được giao và quyền lợi được hưởng của cán bộ thôn, tổ dân phố luôn chênh lệch lớn, trong khi, giá cả hàng hóa, giá trị ngày công lao động ngày một tăng. Chính điều này làm cho nhiều cán bộ thôn, tổ dân phố không mặn mà với công việc, thậm chí, hễ gặp khó khăn thì thoái thác, nhiều trường hợp xin nghỉ việc.

Nhìn nhận từ thực trạng cán bộ thôn trên địa bàn, ông Nguyễn Công Hải - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Đức Thọ bày tỏ quan điểm: “Khối lượng công việc mà cán bộ thôn phải đảm nhiệm là rất lớn, có nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm như bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận, trong khi chế độ phụ cấp quá thấp. Do đó, cần có chính sách tăng phụ cấp để động viên đội ngũ này làm việc”.

Trước đây, rất nhiều cán bộ chủ chốt của xã trưởng thành từ đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố. Thế nhưng, khi công chức hóa bộ máy cán bộ xã, cánh cửa phát triển của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố gần như bị đóng chặt.

Ông Nguyễn Kim Toan - Bí thư Đảng ủy xã Yên Hồ (Đức Thọ) cho hay: “Đội ngũ cán bộ xã Yên Hồ hiện có 6-7 người trưởng thành từ cán bộ thôn, mới nhất là xã đội trưởng. Tuy nhiên, hiện nay, để phát triển cán bộ xã từ nguồn cán bộ thôn là rất khó khăn do định biên đã đủ, cán bộ xã ít biến động”.

Thực trạng này chính là nguyên nhân dẫn đến những người trẻ tuổi, có hiểu biết không thích làm cán bộ thôn, tổ dân phố (kể cả bí thư chi đoàn) nên nhiều thôn, tổ dân phố cán bộ bị hẫng hụt. Về một mặt nào đó, đây cũng là nguyên nhân làm cho công tác phát triển đảng viên trong chi bộ thôn, tổ dân phố gặp khó khăn. Từ thực trạng này, thiết nghĩ, các cấp, ngành, nhất là cấp huyện, xã cần tạo cơ chế về quy hoạch, đào tạo để những cán bộ thôn, tổ dân phố có năng lực được trưởng thành, đóng góp cho phong trào địa phương.

Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị “về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” đã được ban hành với nhiều nội dung khác với Chỉ thị 37-CT/TW của nhiệm kỳ trước. Hy vọng, một nhiệm kỳ mới với quyết tâm chính trị lớn của Đảng, cùng với các mục tiêu, chiến lược được đề ra, những bất cập của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố sẽ được quan tâm giải quyết. Đấy chính là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast