Nền móng vững chắc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Bắt đầu từ hôm nay (1/1/2014), Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực thi hành. Hiến pháp sửa đổi lần này đã đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; yêu cầu hội nhập, hợp tác quốc tế; thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011); thể hiện ý Đảng và lòng dân.

Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua với 486/488 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (97,59%).
Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua với 486/488 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (97,59%).

Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII - kỳ họp thứ sáu đã thông qua toàn văn Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 sửa đổi năm 2013, với 486/488 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 97,59%). Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 có nhiều nội dung mới, phạm vi bài viết này chỉ đề cập một số nội dung về Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ nhất, Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định trong Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013 đã thể hiện rõ cơ chế “phân công” giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp:

Điều 69, Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Điều 94, Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 quy định: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.

Điều 102, Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Thứ hai, quy định thêm hai cơ quan mới trong Hiến pháp: Hội đồng bẩu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.

Điều 117 quy định: “Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”. Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm đảm bảo tính khách quan hơn trong bầu cử.

Điều 118 quy định: “Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Lao động online
Ảnh minh họa. Nguồn: Lao động online

Thứ ba, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội cho phù hợp với vị trí của Quốc hội và phù hợp với tình hình mới: “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của… Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập”; “quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ”; “Quy định tổ chức và hoạt động của… Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập”; “phê chuẩn danh sách thành viên… Hội đồng bầu cử quốc gia”; “quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội” (Điều 70).

Quy định trách nhiệm trung thành của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp: “Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp” (Điều 70).

Bổ sung quyền của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, để các cơ quan này thực hiện tốt chức năng giám sát của mình: "Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó" (Điều 77). Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 chỉ là “...trình bày hoặc cung cấp tài liệu..." (Điều 96).

Bổ sung quy định mới: “Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định” (Điều 78). Đây là một quy định mở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Quốc hội thực thi tốt nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Với quy định này, Quốc hội có thể thẩm tra một dự án hoặc điều tra đến cùng vấn đề nhân dân quan tâm, nhân dân bức xúc để truy cứu trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan.

Thứ tư, bổ sung thêm quyền yêu cầu Chính phủ họp của Chủ tịch nước: “Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước” (Điều 90). Hiến pháp 1992 sửa đổi 2001 chỉ quy định: "Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ"(Điều 105). Bổ sung này, mới đảm bảo thực hiện được vị thế của Chủ tịch nước - là người đứng đầu Nhà nước.

Thứ năm, về Tòa án nhân dân. Quy định về tổ chức Tòa án khái quát hơn: “Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định” (khoản 2, điều 102) quy định này tạo điều kiện thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tiến tới thành lập Tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Nhiệm vụ của Tòa án được xác định rõ ràng hơn, bổ sung nhiệm vụ “bảo vệ công lý” “bảo vệ con người”. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tòa án: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (khoản 3, điều 102).

Bổ sung thêm quy định “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” trong nguyên tắc xét xử của Tòa án nhằm đảm bảo cho tòa án tiến hành xét xử một cách khách quan, công tâm theo quy định của pháp luật, tránh sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào công việc xét xử: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” (khoản 2, điều 103).

Thứ sáu, về chính quyền địa phương. Đổi tên chương 9: “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thành “Chính quyền địa phương”. Quy định về tổ chức chính quyền địa phương: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định” (khoản 2, điều 111). Đây là quy định mở để tạo điều kiện xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng vùng, miền nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tóm lại, Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 đã có nhiều nội dung mới về Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng, đặt nền móng cho việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast