Nghi Xuân: Lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai sửa đổi năm 2003

Trong 2 ngày 26 và 27/2/2013, Ban chỉ đạo về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai sửa đổi năm 2003 của huyện Nghi Xuân đã tổ chức lấy ý kiến của các đại biểu HĐND huyện khóa XVIII và các Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn và lãnh đạo huyện qua các thời kỳ.

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 28/12/2012 của Bộ Chính Trị và Nghị quyết số 38/2012 của ủy Ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai sửa đổi năm 2003, huyện Nghi Xuân đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và luật đất đai sửa đổi năm 2003.

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp và Luật đất đai sửa đổi lần này, là cần thiết nhằm phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển trong giai đoạn cách mạng hiện nay và Hiến pháp phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Trong đó các ý kiến được tập trung nhiều vào việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, cần phải được xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội và đảm bảo đủ sức răn đe, để lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Đồng thời trong quá trình thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, nên tăng thẩm quyền cho Chủ tịch Nước và giao trách nhiệm cho Chủ tịch Nước, phụ trách công tác phòng chống tham nhũng thì nó mang tính độc lập cao hơn, chứ không nên giao cho Chính phủ "Vừa đá bóng vừa thổi còi", như thời gian qua thì chắc chắn hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đem lại sẽ không cao. Đối với quyền của con người cần phải được đề cao.

Về định hướng XHCN hầu hết cũng được các ý kiến đồng tình cao, nhằm hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân mọi người sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật. Để nâng cao vai trò của Nhà nước pháp quyền XHCN và nâng cao hiệu quả của Nhà nước ở các địa phương, không nên bỏ HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã, ngoài vai trò giám sát đối với các cơ quan Nhà nước, HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã còn đại diện cho ý chí và tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, ngoài phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, phải chụi sự giám sát của nhân ở nơi cư trú.

Đối với Luật đất đai sửa đổi cũng đã có nhiều đại biểu đóng góp ý kiến, hầu hết họ cho rằng để xảy ra nhiều đơn thư khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất là do giá đền bù chưa hợp lý với giá thị trường và chưa thống nhất trong toàn Quốc ...... Đối với đất sản xuất nông nghiệp, không nên giao đất 20 năm mà nên giao đất trong thời hạn ngắn hơn. Trong thực tế hiện nay, một số người sinh ra sau năm 1994, chưa được cấp đất vì đất đã được giao hết cho người dân trước năm 1994. Do đó dẫn đến tình trạng hiện nay, một số người đã chết hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống, nhưng vẫn có đất trong khi đó một số người cần đất để sản xuất thì không có.

Đối với đất cho thuê để kinh doanh, xây dựng trang trại.... không nên giao thời hạn 50 năm là quá dài mà nên để thời gian cho thuê có thời hạn từ 30-40 năm là hợp lý. Đối với đất được Nhà nước cho thuê, nếu sai mục đích hoặc để thời gian kéo dài thì cần phải được thu hồi, không để tình trạng cấp đất và cho thuê đất tùy tiện như trong thời gian qua ở một số địa phương. Đất khi bán phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và phải thực hiện đấu thầu theo qui định. Đặc biệt khi chuyển đổi, mục đích sử dụng đất, phải có ý kiến đồng ý của Thủ Tướng Chính Phủ, đây là những vấn đề bất cập nhất trong thời gian qua, dẫn đến nhiều đơn thư khiếu kiện của công dân, do đó luật đất đai sửa đổi trong thời gian tới cần phải tính toán và xem xét kỹ vấn đề này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast