Quyết liệt hơn trong xử lý sau thanh tra

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, công tác thanh tra tại Hà Tĩnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy sự phát triển chung. Tuy nhiên, công tác xử lý sau thanh tra còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Ông Thái Sinh - Chánh Thanh tra tỉnh, đại diện ủy quyền của UBND tỉnh trong một vụ án hành chính. Ảnh: Thăng Long

Ông Thái Sinh - Chánh Thanh tra tỉnh, đại diện ủy quyền của UBND tỉnh trong một vụ án hành chính. Ảnh: Thăng Long

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, từ năm 2011-2015, toàn tỉnh đã thực hiện 273 cuộc thanh tra, trong đó: cấp sở, ngành 180 cuộc; cấp huyện, thị 85 cuộc (Thanh tra tỉnh 54 cuộc). Hầu hết các cuộc thanh tra đều được tiến hành đúng quy định của pháp luật, chất lượng khá cao. Qua thanh tra, đã kiến nghị xử lý hành chính 1.131 tập thể, 506 cá nhân; chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự 6 vụ, 32 đối tượng; xử lý khác về kinh tế hơn 13.944 triệu đồng.

Thông qua hoạt động thanh tra, đã kiến nghị nhiều nội dung về tăng cường công tác quản lý nhà nước; chấn chỉnh việc áp dụng, chấp hành không đúng các quy định về chế độ, chính sách pháp luật; tham mưu cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, phòng ngừa những nội dung, sơ hở trong việc chỉ đạo, ban hành cơ chế quản lý, chính sách theo thẩm quyền được giao; kiến nghị thu hồi các khoản thu cho ngân sách nhà nước do đối tượng thanh tra vi phạm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác thanh tra chỉ mới chú trọng khâu phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm, còn việc bảo đảm thực thi kết luận thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong tổng số 273 cuộc thanh tra được thực hiện trong 5 năm qua với 1.131 tập thể, 506 cá nhân bị kiến nghị xử lý hành chính thì chỉ mới 234 tập thể (20,68%) và 323 cá nhân (63,83%) bị xử lý kỷ luật.

Hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra phụ thuộc rất lớn vào việc nhận thức và triển khai thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Tổng hợp kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra 5 năm qua, cho thấy: hiệu quả công tác đôn đốc xử lý sau thanh tra đạt thấp; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản thất thoát còn khiêm tốn so với kiến nghị trong các kết luận thanh tra. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác thanh tra.

Trao đổi về thực trạng này, ông Trịnh Công Minh - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 4 (Thanh tra tỉnh) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến công tác xử lý sau thanh tra chưa đạt kết quả như mong muốn chủ yếu do: chất lượng một số đoàn thanh tra thấp, kết luận thanh tra chưa được đối tượng thanh tra “tâm phục, khẩu phục”; việc đôn đốc, theo dõi xử lý sau thanh tra còn lúng túng, chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, như: thủ trưởng cơ quan nhà nước và lãnh đạo cấp trên của đối tượng thanh tra chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các cá nhân, tổ chức có sai phạm thực hiện nghiêm kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về hoạt động xử lý sau thanh tra còn nhiều bất cập. Mặc dù Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định về việc xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra, xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận xử lý về thanh tra, tuy nhiên, các quy định này còn mang tính khái quát, thiếu chế tài và biện pháp cụ thể bảo đảm việc thực hiện kết luận thanh tra. Từ đó, dẫn đến một số đối tượng bị phát hiện vi phạm qua thanh tra chây ỳ không thực hiện nhưng không có biện pháp hữu hiệu để xử lý, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Thực tế cho thấy, việc xác định, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra là hết sức quan trọng, là khâu cuối cùng quyết định hiệu quả của công tác thanh tra. Để khắc phục tình trạng trên, những năm gần đây, Thanh tra tỉnh đã tiến hành một số biện pháp cụ thể, thiết thực. Trên cơ sở sự hướng dẫn, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các huyện, ngành triển khai thực hiện, yêu cầu rà soát, báo cáo việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra. Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2015/NĐ-CP quy định việc thực hiện các kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện. Trong đó, xác định trách nhiệm của từng chủ thể khi thực hiện kết luận thanh tra.

Để các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra được thực hiện nghiêm túc và triệt để, ngoài những nỗ lực của cơ quan thanh tra, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Có như vậy, hoạt động thanh tra mới mang lại hiệu quả đích thực, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo được niềm tin trong nhân dân, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast