TP.HCM sẽ không có Thị trưởng

So với đề án ban đầu, tên gọi “Thị trưởng” - người đứng đầu 4 thành phố dự kiến thành lập mới trực thuộc TP.HCM đã được hủy bỏ, thay vào đó là Chủ tịch. Quận trưởng, Phường trưởng tại 13 quận nội thành cũng không còn.

Sẽ không còn TP “vệ tinh”

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý của các đại biểu HĐND TP.HCM về đề án thí điểm chính quyền đô thị, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho hay, trước các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trí thức, các nhà khoa học… tại nhiều hội nghị thời gian qua, Ban soạn thảo đề án đã tiếp thu, có bổ sung và chỉnh sửa một số nội dung.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm. Ảnh: Khampha

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm. Ảnh: Khampha

Cụ thể, đề án đã bỏ tên gọi thị trưởng đối với người đứng đầu mỗi thành phố mới dự kiến thành lập (4 thành phố mới Đông, Tây, Nam, Bắc) trực thuộc TP.HCM. Tương tự, tên gọi quận trưởng, phường trưởng dự kiến đặt tên cho người đứng đầu mỗi quận tại 13 quận nội thành, các phường tại 13 quận này cũng được hủy bỏ. Do vậy, người đứng đầu ở những nơi này chỉ có thể được gọi là chủ tịch.

“Nếu cấp chính quyền nào có tổ chức HĐND thì người đứng đầu chính quyền được gọi là Chủ tịch UBND, cấp chính quyền không có HĐND thì người đứng đầu được gọi là Chủ tịch UB hành chính”, ông Lắm nói.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, sở dĩ trước đây TP.HCM có đưa ra dự kiến tên gọi “thị trưởng” cho người đứng đầu mỗi TP trong 4 TP mới thành lập là do căn cứ vào 3 phương án xây dựng mô hình chính quyền đô thị của Bộ Nội vụ, trong đó phương án 3 theo mô hình thị trưởng. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã đề nghị chọn phương án 1 (không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước), nên TP hủy bỏ tên gọi này.

Một nội dung khác cũng được bãi bỏ là tên gọi 4 TP vệ tinh.

Người dân sẽ đóng nhiều loại phí

Tại hội nghị hôm nay, các đại biểu HĐND lo ngại sự thay đổi mô hình mới sẽ làm xáo trộn cuộc sống của người dân, làm nảy sinh các tiêu cực do việc đón đầu các ảnh hưởng khi xây dựng chính quyền đô thị, nhất là quyền lợi của người dân chưa được làm rõ.

“Tôi chưa nhìn thấy người dân được lợi gì trong đề án, mà chỉ mới thấy những ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ”, ĐB Lâm Thiếu Quân băn khoăn.

ĐB HĐND TP.HCM Lâm Thiếu Quân. Ảnh: Tá Lâm

ĐB HĐND TP.HCM Lâm Thiếu Quân. Ảnh: Tá Lâm

Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho hay, cốt lõi của mô hình chính quyền đô thị nêu ra trong đề án là nâng cao quyền tự chủ, phát huy hơn nữa tính năng động, sáng tạo của TP thông qua các thiết kế về tổ chức bộ máy, bố trí lại địa giới hành chính, thay đổi phương thức phân cấp, hướng tới một chính quyền thật sự của dân, do dân và vì dân.

Tuy nhiên, ông Lắm cho rằng, mô hình chính quyền đô thị của TP đưa ra không phải chỉ nhìn những tác động trước mắt như làm xáo trộn cuộc sống của người dân, các tiêu cực xảy ra do tinh gọn bộ máy mà “cần phải được xem xét trong tác động dài hạn” đối với kinh tế, xã hội, môi trường…

Theo ông, về tăng trưởng kinh tế, chính quyền đô thị phân cấp theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trong chi tiêu đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cung ứng dịch vụ công và chăm lo phúc lợi cho người dân. “Đối với TP có vai trò quan trọng như TP.HCM, tác động của phân cấp sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của cả nước”, ông Lắm khẳng định.

Về tác động xã hội, ông Lắm khẳng định, bản chất của chính quyền địa phương là phục vụ người dân. Mô hình chính quyền đô thị lấy người dân làm trung tâm để đưa ra những thiết kế mới nhằm phục vụ dân tốt hơn theo hướng tăng cường quyền làm chủ của người dân, tăng sự hài lòng của người dân.

Tuy nhiên, nếu một số đề xuất về các khoản thu và điều tiết đặc thù đối với đô thị lớn như TP.HCM được chấp nhận thì có khả năng người dân sinh sống trên địa bàn TP sẽ phải tăng các khoản đóng góp hợp lý (phí, lệ phí, một số sắc thuế liên quan đến bất động sản). Ngược lại, người dân sẽ được hưởng dịch vụ công ích của đô thị tốt hơn.

Theo Tá Lâm/Vietnamnet.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast