“Tư duy nhiệm kỳ”

Những dự án “treo”; những công trình non tuổi thọ; nhiều người lên nhận chức trách, nhiệm vụ mới phải loay hoay tháo gỡ các phương án do người tiền nhiệm để lại... Tất cả đều là tác hại của “tư duy nhiệm kỳ”.

Tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có mục đích là làm lợi cho nhóm cá nhân nào đó.
Tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có mục đích là làm lợi cho nhóm cá nhân nào đó.

Chuyện cách đây không lâu, tại thị trấn Thạch Hà, dư luận bày tỏ bức xúc về việc cấp đất ở cho người dân của chính quyền thị trấn. Trong 18 lô đất qui hoạch thì có đến 6 lô cấp không đúng đối tượng; 1 hộ cấp đúng đối tượng nhưng chuyển nhượng ngay sau khi giao đất; 1 hộ không có biên bản họp xét. Sau khi nhận được đơn thư tố cáo của người dân, UBND huyện Thạch Hà đã vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, vụ việc này đã làm thất thoát gần 800 triệu đồng; làm suy giảm niềm tin của người dân. Còn chuyện dự án cấp đất ở cho hộ nghèo nữa. Tiền thu đã lâu nhưng lần lữa mãi chính quyền vẫn không giao đất. Khi người dân thúc giục, gây sức ép thì chính quyền mới tiến hành đo đạc. Tuy nhiên, đất đo được trong qui hoạch so với đất qui định cho mỗi hộ khi tính tiền lại thiếu hụt. Rồi khi người dân hỏi sổ đỏ lại lần lữa hứa suông. Điều đáng bàn nữa là việc triển khai thực hiện dự án này thuộc nhiệm kỳ trước. Khi tân chủ tịch nhận nhiệm vụ, người dân lại tiếp tục hỏi về vấn đề này thì lại loay hoay chưa tìm được hướng giải quyết. Chủ tịch mới cũng đã trả lời với báo chí rằng đây là trách nhiệm của người tiền nhiệm.

Rồi chuyện tại một bệnh viện trong tỉnh. Vị giám đốc về nghỉ chế độ đã để lại bao tồn tại, hạn chế cho bệnh viện. Nguồn ngân sách chi thường xuyên bị thiếu hụt; đội ngũ kế cận không được quan tâm chuẩn bị… Dư luận CBCNV bất bình; những người gánh vác trách nhiệm mới kêu ca, phàn nàn…

“Tư duy nhiệm kỳ” còn biểu hiện rất rõ trong việc đầu nhiệm kỳ thì đề ra những chương trình hành động rất hoành tráng nhưng khi tổng kết thì không hề nhắc đến. Lý do là vì yêu cầu của chương trình hành động vượt ra ngoài tầm của một địa phương, đơn vị. Tai hại hơn là điều này để lại những tác hại không nhỏ như những dự án “treo”, dự án “đắp chiếu” chờ… hỏng, cũng có những dự án đã phá sản, để lại nợ nần, gây thất thoát tiền của Nhà nước và làm xói mòn lòng tin của người dân; rồi bệnh chạy theo thành tích, bằng mọi giải pháp đạt cho được chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ, quan tâm số lượng, đối phó chất lượng…

Một nhiệm kỳ công tác thường được chia làm 4 giai đoạn: khởi đầu–tiến triển–ổn định– kết thúc
Một nhiệm kỳ công tác thường được chia làm 4 giai đoạn: khởi đầu–tiến triển–ổn định– kết thúc

Mặc dù cho đến nay chưa có một thống kê cụ thể nào về cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành nghỉ hưu hay thuyên chuyển vị trí công tác đã để lại các “di chứng” về bệnh “tư duy nhiệm kỳ” cho người kế nhiệm nhưng dư luận luôn xôn xao. Các nhà chức trách chưa đối mặt, còn né tránh vấn đề này. Tuy nhiên, đây là một căn bệnh đang khá phổ biến và gây tác hại không nhỏ. Có lẽ cũng chính vì thế mà trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị, cơ sở trong nhiều năm”. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối”.

Thực tế “tư duy nhiệm kỳ” đang hiển hiện đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt vào cuộc vừa chống, vừa phòng. Có như thế mới tạo được “sức đề kháng” tốt, nền tảng vững chắc cho sự phát triển có tính chiến lược.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast