UBTVQH thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM: Thống nhất chủ trương đầu tư

Chiều 17-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã trình bày Báo cáo đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM tại phiên họp UBTVQH. Trong khi đó, bàn về dự án Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày, nhiều thành viên UBTVQH quan tâm đến nội dung giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

  • Vốn: Bài toán khó!

Theo báo cáo, Chính phủ kiến nghị UBTVQH cho phép trình QH tại kỳ họp thứ 7 quyết định chủ trương đầu tư dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM. Trên cơ sở phân tích nhiều phương án khác nhau, Chính phủ đề xuất chọn phương án xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc với tốc độ khai thác 300km/h (vận tốc thiết kế là 350 km/h), đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Áp dụng công nghệ động lực phân tán – EMU (như đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản).

Năng lực vận chuyển bằng đường sắt tuyến Hà Nội - TPHCM hiện nay còn hạn chế. Ảnh: Đức Trí

Năng lực vận chuyển bằng đường sắt tuyến Hà Nội - TPHCM hiện nay còn hạn chế. Ảnh: Đức Trí

Dự án có nhu cầu sử dụng đất là 4.170ha, trong đó 383,7ha là đất ở khu dân cư tại vùng đô thị, 813,1ha là đất ở khu dân cư vùng nông thôn, 1.589,3ha là đất nông nghiệp và 1.383,9ha là đất rừng. Tổng mức đầu tư sơ bộ ước khoảng 55,853 tỷ USD (khoảng 35,6 triệu USD/km). Nếu được chấp thuận, dự án bắt đầu thiết kế xây dựng vào năm 2012 theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến 2020) đưa vào khai thác đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TPHCM; Giai đoạn 2 (đến 2030) đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035.

Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tại nhiều điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân khoảng 5%. Còn kết quả kiểm tra mới đây của Bộ Kh-cn cho thấy, có khoảng 28% số cơ sở kinh doanh sai phạm về đo lường (có nơi sai số gần 10%); 17% vi phạm về chất lượng.

Chính phủ đề nghị QH giao Chính phủ quyết định đầu tư dự án; phê duyệt theo thẩm quyền những nội dung thay đổi và tổng mức đầu tư hiệu chỉnh trong quá trình thực hiện dự án; giao Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với dự án.

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên UBTVQH tán thành chủ trương đầu tư, song yêu cầu Chính phủ làm rõ nhiều vấn đề, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo nguồn vốn cho “siêu dự án” này.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lo lắng: “Dự án có tổng vốn lên đến 55,853 tỷ USD, đó là chưa kể khoản đầu tư nâng cấp đường sắt hiện có. Ngân sách sẽ cáng đáng thế nào? Trong khi đó, dòng vốn ODA cũng sẽ có xu hướng giảm vì VN đã là nước có thu nhập trung bình”.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền có cùng quan điểm này và nhấn mạnh, từ nay đến lúc khởi công dự án, tổng mức đầu tư có thể sẽ bị đội lên rất nhiều. “Riêng tiền đền bù giải phóng mặt bằng từ lúc tính toán (năm 2008) đến nay đã tăng rất đáng kể rồi”, ông nói.

Chủ nhiệm UB Kinh tế cũng yêu cầu tính toán căn cơ hơn nữa: “Bộ Giao thông Vận tải tính rằng, giai đoạn tới còn thiếu phương tiện vận chuyển 57 triệu khách/năm nhưng tính toán như thế chưa hẳn đã hợp lý. Phải tính trong số đó có bao nhiêu người có nhu cầu đi đường sắt cao tốc (với giá vé gần bằng vé máy bay)”.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo chi tiết và có tờ trình về dự án, trình QH xem xét tại kỳ họp thứ 7. Phó Chủ tịch nhấn mạnh yêu cầu làm rõ giải pháp điều hành huy động vốn và yêu cầu đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. “Vấn đề an toàn vận hành dự án phải được đề cập cụ thể trong điều kiện địa chất, dân trí và khả năng quản lý của chúng ta. Việc phê duyệt những nội dung thay đổi và tổng mức đầu tư hiệu chỉnh trong quá trình thực hiện, quyết định cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với dự án là thẩm quyền của Quốc hội”- Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên kết luận.

  • Bảo vệ người tiêu dùng: Cơ quan Nhà nước nhập cuộc

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường (UB KHCN-MT) Đặng Vũ Minh, hiện có hai quan điểm về giải quyết tranh chấp tại cơ quan hành chính. Loại ý kiến thứ nhất tán thành giao thẩm quyền giải quyết một số tranh chấp của người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh cho cơ quan bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại địa phương để giải quyết các tranh chấp giá trị nhỏ (dưới 10 triệu đồng) như tại dự thảo luật.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng không nên quy định phương thức giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương, vì bản chất việc tranh chấp về tiêu dùng là những tranh chấp dân sự.

Việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh tại tòa án cũng là một vấn đề đang được tranh luận. Thường trực UB KHCN-MT nhất trí với phương án thiết lập một cơ chế xét xử đơn giản (thủ tục xét xử rút gọn - một cấp xét xử tại tòa án cấp huyện như quy định trong dự thảo luật) để tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình và giảm chi phí cho xã hội.

Tuy nhiên, vẫn có quan điểm cho rằng, việc giải quyết tranh chấp loại này vẫn phải thực hiện thống nhất theo các quy định về tố tụng trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2004. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng chỉ có thể khởi kiện vụ án dân sự với tư cách cá nhân và phải chứng minh 4 yếu tố cấu thành trách nhiệm thiệt hại, theo hai cấp xét xử.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong tình hình cụ thể của nước ta hiện nay, đặc biệt là với một số dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe..., người tiêu dùng không thể tự mình đánh giá chất lượng hay giá cả mà nhất thiết phải có sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng, nhiều quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự là không khả thi trong trường hợp này. Đơn cử, vụ Vedan gây thiệt hại lớn về môi trường mà yêu cầu người dân khởi kiện với tư cách cá nhân và chứng minh 4 yếu tố cấu thành trách nhiệm thiệt hại là rất khó khăn. Thậm chí, ngay cả các hiệp hội cũng không đủ sức làm việc này, do hạn chế về kinh phí và năng lực. “Tại sao không giao cho Viện Kiểm sát nhiệm vụ xác minh thiệt hại? Nhiều nước cũng đã giao cho công tố viên thực hiện việc giám định thiệt hại của người tiêu dùng, nếu vụ việc có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng”, Chủ nhiệm UB Tư pháp gợi ý.

Vấn đề bán hàng đa cấp, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm chức năng được Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu ra như một ví dụ về quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm. Bà Mai yêu cầu Ban soạn thảo luật quan tâm thích đáng đến vấn đề này, coi trọng hơn nữa khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng ngay từ đầu thay vì giải quyết hậu quả khi quyền lợi của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng, tranh chấp đã xảy ra…

Nguồn: SGGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast