Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghiêm khắc với hành vi lấn chiếm đất đai

Ngày 15-3, phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Thuế nhà, đất.

Phát biểu tại phiên họp sáng 15-2, đa số ý kiến trong UBTVQH đều cho rằng chưa nên thu thuế đối với nhà. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật đặt câu hỏi: “Nhà là tài sản của cá nhân, tổ chức. Vậy nếu đánh thuế nhà thì chiếc ô tô trị giá nhiều tỷ đồng, có khi còn lớn hơn căn nhà, có đánh thuế không?".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh công nhận: “Giá trị nhà ở hiện nay chủ yếu là giá trị đất đai. Phần giá trị xây dựng nhà (trang thiết bị nội thất không tính vào giá trị chịu thuế) thực chất không lớn và sẽ giảm đi (do xuống cấp) theo thời gian. Người đứng đầu ngành tài chính cũng nhận định, việc tổ chức thu thuế đối với nhà ở là không đơn giản, chi phí không nhỏ, trong khi số thuế thu được lại không lớn.

Trong khi quy định bỏ thu thuế nhà nhận được sự đồng tình cao, thì vấn đề việc nên hay không nên áp mức thuế suất cao đối với đất lấn chiếm còn có nhiều tranh luận. Dự luật quy định, diện tích đất tính thuế là phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Tuy nhiên, UB TCNS cho rằng, quy định diện tích chịu thuế căn cứ vào diện tích ghi trên GCN chưa bao quát hết các trường hợp trên thực tế. Hiện nay, tình trạng lấn chiếm nhà, đất còn khá phổ biến - phần diện tích này không nằm trong phần diện tích ghi trong GCN, thậm chí có trường hợp diện tích đất lấn chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong GCN. UB TCNS đề nghị bổ sung đất lấn chiếm vào diện thu thuế, với mức thuế suất 0,15%, cao gấp 5 lần so với mức bình thường.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước có quan điểm rất nghiêm khắc về vấn đề này: “Thuế đối với đất lấn chiếm phải tăng qua từng năm, cho tới khi người lấn chiếm không dám sử dụng nữa mới thôi”.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thuế môi trường. Theo dự thảo trình tại phiên họp, các loại hàng hóa sẽ phải chịu thuế môi trường, gồm xăng dầu, than, túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng... Trong đó, khung thuế đối với các loại xăng là từ 1.000-4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500-2.000 đồng/lít, dầu hỏa 300-2.000 đồng/lít, dầu mazut 300-2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 1.000-3.000 đồng/lít…

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển lưu ý ban soạn thảo, luật thuế này sẽ không tránh khỏi những tác động nhất định đến sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đến người tiêu dùng thông qua việc tăng giá sản phẩm hàng hóa, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu… Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá cụ thể những yếu tố phát sinh khi áp dụng chính sách, từ đó có giải pháp xử lý hữu hiệu, đồng thời xác định lộ trình áp dụng phù hợp với tình hình thực tế.

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast