3 đối tượng được vay vốn để phát triển nhà ở xã hội

Tại dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất 3 đối tượng được vay vốnđể phát triển nhà ở xã hội.

3 đối tượng trên gồm: 1- Doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 53 của Luật nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, bán;

2- Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán;

3- Doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động của chính Doanh nghiệp, Hợp tác xã ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành.

Điều kiện được vay vốn

Dự thảo nêu rõ điều kiện được vay vốn. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã: được thành lập và hoạt động theo luật doanh nghiệp, luật hợp tác xã; có năng lực pháp luật dân sự; chủ doanh nghiệp tư nhân phải có đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự; được công nhận là pháp nhân theo quy định tại Điều 94 và Điều 96 Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật Việt Nam; có tên trong danh mục chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, đối tượng vay vốn phải có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có văn bản chấp thuận đầu tư của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, đã có Quyết định của UBND cấp tỉnh hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội và đã hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng (nếu có). Có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp được miễn giấy phép theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Bên cạnh đó, đối tượng vay vốn phải có tối thiểu 30% vốn tự có tham gia vào giá trị dự án đầu tư nhà ở xã hội.

Mức vốn, thời hạn vay, trả nợ gốc và lãi

Mức vốn vay được đề xuất như sau: Đối với xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán và xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nhà ở của mình: mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán được duyệt và không quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Đối với mua, thuê mua nhà ở xã hội: mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị Hợp đồng mua – bán hoặc hợp đồng cho thuê mua nhà ở xã hội.

Theo dự thảo, đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê: thời hạn cho vay tối đa 20 năm; dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua: thời hạn cho vay tối đa 10 năm; dự án đầu tư nhà ở xã hội để bán: thời hạn cho vay tối đa 5 năm.

Riêng đối với Doanh nghiệp, Hợp tác xã:Thời hạn vay được quy định cụ thể cho từng loại dự án nêu trên nhưng không quá thời gian hoạt động còn lại theo Quyết định thành lập hoặc theo giấy phép hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Lãi suất vay sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị NHCSXH.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Tuệ Văn/VGP News

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast