Bộ Y tế lý giải về mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên

Học sinh, sinh viên (HSSV) là một nhóm đối tượng riêng, không thể tham gia theo hộ gia đình như nhiều người mong muốn, mà phải mua bảo hiểm y tế (BHYT) tại trường học và sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30%.

Đây là khẳng định của TS. Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) khi trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề mua BHYT của nhóm đối tượng HSSV.

Bộ Y tế lý giải về mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên ảnh 1
Học sinh cần nghiêm túc tham gia BHYT để được đảm bảo quyền lợi (ảnh minh họa)

- Thưa ông, để được giảm trừ mức đóng nhiều hơn, không ít phụ huynh mong muốn chuyển hình thức mua BHYT cho con mình từ ở trường học sang mua theo hộ gia đình. Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao HSSV lại không được tham gia BHYT theo hình thức này?

Ông Lê Văn Khảm: Quy định của Luật BHYT sửa đổi đã chia các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Theo đó, HSSV là một nhóm đối tượng riêng, không phải là đối tượng tham gia theo nhóm hộ gia đình, do đó, HSSV không thể tham gia theo hộ gia đình như nhiều người mong muốn, mà phải mua tại trường học.

Bộ Y tế lý giải về mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên ảnh 2

Khi mua trong trường học, HSSV sẽ có quyền lợi rất thiết thực là được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại nhà trường. Phần này được trích từ quỹ đóng BHYT của HSSV.

Bên cạnh đó, khi tham gia theo đối tượng HSSV, các cháu sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30%. Tức là tùy từng trường hợp cụ thể, tùy từng địa phương có thể có những nơi HSSV được hỗ trợ nhiều hơn 30%.

Ví dụ, HSSV thuộc hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng; hộ cận nghèo ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng. Hiện nhiều địa phương cũng đã huy động hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo. Như vậy, số còn lại là những gia đình có điều kiện hơn sẽ đóng 70% mức BHYT đối với HSSV.

- Phần trăm từ Quỹ đóng BHYT của HSSV được trích lại cho nhà trường, điều này có chính xác không, thưa ông?

Ông Lê Văn Khảm: Thông tin Quỹ đóng BHYT của HSSV trích lại cho nhà trường là chính xác và tỉ lệ trích lại này là 7% để nhà trường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV như kiểm soát thừa cân, béo phì, cong vẹo cột sống, tai nạn thương tích.

- Vì sao hiện nay các trường lại thu BHYT của các em với các mức khác nhau, có trường thu 507.000 đồng, nhưng có trường lại thu 537.000 đồng?

Ông Lê Văn Khảm: Mức đóng BHYT là như nhau với tất cả các em. Bây giờ tôi mới nghe thấy mỗi trường một mức. Có thể do cách thu mỗi trường khác nhau, chắc do sai sót về mặt kỹ thuật. Tôi sẽ ghi nhận hiện tượng này và sẽ chủ động làm việc với Bảo hiểm xã hội Hà Nội liên hệ với nhà trường giải thích đầy đủ.

- Nhiều phụ huynh hiện cũng đang thắc mắc, vì sao năm nay con họ lại phải đóng BHYT cho 15 tháng?

Ông Lê Văn Khảm: Thực tế các em không phải đóng BHYT 15 tháng.

Theo quy định của các văn bản liên quan đến Luật BHYT việc thu BHYT thực hiện theo năm tài chính, nghĩa là thu từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm. Mọi năm thu theo năm học, tức là đến hết 30/9. Còn năm nay là năm chuyển giao nên phải thu thêm 3 tháng cuối của năm 2015 và nguyên năm 2016.

Mức đóng này được quy định theo Nghị định của Chính phủ. Chính phủ giao Bộ Y tế soạn thảo Nghị định. Trong quá trình soạn thảo có sự tham gia Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT, Bảo hiểm xã hội... Việc thu có thể phụ thuộc vào điều kiện của từng nhà trường, địa phương họ có thể có cách thu khác nhau cho phù hợp.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phụ huynh phải đóng cùng lúc 15 tháng, mà do Sở GD&ĐT các địa phương thống nhất cách thu. Trong đó, năm 2015 có thể thu 3 tháng, sau đó năm 2016 chia thành 2 đợt.

- Nhiều ý kiến cho rằng, trẻ em là đối tượng phụ thuộc, nhưng lại phải đóng theo mức thu nhập của người lớn 4,5% mức lương cơ sở là không hợp lý. Ông có ý kiến gì về điều này?

Ông Lê Văn Khảm: HSSV là đối tượng phụ thuộc, việc tham gia BHYT là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, của gia đình. Tất cả quy định trong Luật BHYT sửa đổi đều được bàn thảo rất kỹ, từ tác động đến quỹ BHYT, đời sống xã hội, cũng như kinh tế của các gia đình. Nói như vậy nghĩa là đã soi chiếu dưới nhiều góc cạnh mới đưa ra quyết định tăng mức đóng của HSSV từ 3% lên 4,5%.

Việc tăng từ 3% lên 4,5% không ảnh hưởng tới đối tượng HSSV thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, sinh sống vùng đặc biệt khó khăn, sinh sống ở xã đảo, thân nhân của sĩ quan, quân đội, công an.

HSSV thuộc hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ đóng 70%, chỉ phải đóng thêm 30% mức tăng không nhiều, trong khi đó nhiều tỉnh hỗ trợ 30% còn lại. Đối tượng HSSV thuộc các gia đình có mức sống trung bình trở lên thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% nên tác động về mức điều chỉnh này không lớn.

Trong khi một trong những lý do để điều chỉnh mức tăng này là mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT.

Nếu như trước đây các trường hợp có tổn thương thể chất và tinh thần do vi phạm pháp luật gây ra, hay tai nạn lao động, tự tử, tự ý gây thương tích… không được quỹ BHYT chi trả, thì nay cũng được chi trả. Như vậy, các quyền lợi đang mở rộng rất nhiều.

Trong thực tiễn cho thấy các chi phí về chữa trị rất lớn vì chúng ta áp dụng kỹ thuật cao, công nghệ mới, các loại thuốc mới có hiệu quả điều trị tốt hơn cho người bệnh.

-Đối với những HSSV cuối cấp, sau khi ra trường sẽ tham gia BHYT như thế nào để không bị gián đoạn, thưa ông?

Ông Lê Văn Khảm: Nếu không còn là HSSV nữa, các em sẽ tham gia BHYT theo hộ gia đình, hoặc nếu học xong đi làm thì tham gia theo đối tượng người lao động.

Các em HSSV thuộc các đối tượng này cần lưu ý: Nếu tham gia BHYT gián đoạn 3 tháng liên tục thì quyền lợi sẽ không bằng người tham gia liên tục 5 năm.

Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, có nhiều đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu đã tham gia BHYT 5 năm liên tục, mà số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tức là khoảng gần 7 triệu đồng thì không phải cùng chi trả nữa, mà lúc đó Quỹ BHYT sẽ chi trả. Như vậy, những người tham gia BHYT 5 năm liên tục sẽ có lợi hơn.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast