Chuyện bình xét hộ nghèo ở Sơn Mai

(Baohatinh.vn) - Họ là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị bệnh tật hành hạ quanh năm suốt tháng phải nằm viện, người thiếu đất sản xuất phải đi làm thuê, sống tạm bợ trong mái nhà tranh xơ xác. Thế nhưng, khi thôn đưa ra bình xét hộ nghèo, họ lại không có tên trong danh sách.

Chuyện ghi được ở xã Sơn Mai (Hương Sơn) - một xã vùng sâu nhiều năm được nhận thành tích về “xóa đói giảm nghèo”.

“Họa vô đơn chí” lại bị ra khỏi danh sách hộ nghèo

Bây giờ đang tiết Thanh minh, người dân xã Sơn Mai đổ xô ra đồng sản xuất, chỉ còn anh Trần Ngọc Minh đang nằm tựa gối thở hổn hển, mắt vẫn trân trân nhìn lên trần nhà... Hơn 18 năm trời, anh bị bệnh viêm phổi mãn tính và bây giờ lại thêm bệnh suy tim, sức khỏe suy kiệt, da mặt xanh nhợt, người như cành củi khô.

Ngôi nhà tranh xơ xác của anh Duẩn
Ngôi nhà tranh xơ xác của anh Duẩn

Cha anh là liệt sĩ Trần Đình Khanh, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Học xong phổ thông, số phận run rủi đẩy người con trai làng khỏe mạnh này vào “vòng xoáy” bệnh tật. Đầu 1984, hợp tác xã phân công anh làm thủ kho thuốc trừ sâu. Mỗi lần cấp phát thuốc, anh Minh đã đeo khẩu trang, đi giày cẩn thận, vậy mà, sau 5 năm thường xuyên tiếp xúc, chất độc đã nhiễm vào cơ thể anh lúc nào không hay. Chị Hiển (vợ anh) tâm sự: Cách đây 3 năm, anh ấy còn đi vào đi ra được, bây giờ, hết ngồi lại nằm, hết nằm lại ngồi trong phạm vi 4 chân giường”. Vừa nói, chị Hiển vừa đưa cho tôi xem một tập dày nào đơn thuốc, phim chụp cắt lớp và cả cuốn sổ vay nợ ngân hàng 120 triệu đồng.

Năm 2013, 4 lần chị đưa anh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Bạch Mai, gần 1 tháng ròng lên bệnh viện huyện Hương Sơn săn sóc mẹ chồng bị bệnh ung thư. Hai đứa con đang học đại học và cao đẳng đều trông chờ vào sự “chi viện” của mẹ. Chị Hiển không giấu nổi ấm ức vì cuối năm vừa qua, gia đình chị bỗng dưng bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Theo chị Hiển, cả xóm Minh Giang qua trưng cầu ý kiến, rồi bỏ phiếu kín, gia đình chị đã được xếp vào “danh sách hộ nghèo”. Nhưng mấy ngày sau, ông Thái Khắc Thoại - Trưởng thôn đột ngột thông báo: “Gia đình bà Hiển đợt ni không trúng hộ nghèo nữa, vì việc sáp nhập lại thôn nên có người còn khó khăn hơn”. Thấy mình bị loại khỏi danh sách một cách vô lý, chị Hiển viết đơn rồi lên xã trình bày. Nhưng một cán bộ xã Sơn Mai giải thích: “Chúng tôi chỉ dựa vào xóm, xóm đã thành lập tiểu ban đủ các thành phần để khảo sát hoàn cảnh từng đối tượng. Sau đó, đưa ra bà con bình xét, như thế là rất minh bạch, dân chủ”. Chị Hiển lại quay về gặp ông Thoại thì được biết: “Năm ngoái, nhà bà được rồi, bây giờ đến lượt người khác, hưởng chi mà hưởng nhiều rứa?”.

Hai mẹ con cùng cảnh nhà xơ xác

Rời nhà anh Trần Ngọc Minh, chúng tôi lần theo địa chỉ của chị Lê Thị Tâm (trú tại Trại Cụp). Phải băng qua nhiều trái núi, chiếc xe của tôi mới leo được lên đỉnh đồi thưa thớt những bóng keo, bóng tràm. Trước mặt tôi là ngôi nhà dựng tạm bằng mấy tấm fibrô xi măng, bốn phía gió lùa. Chị Tâm kể: Lúc 20 tuổi, chị lấy chồng, nhưng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Sau khi ly hôn, chị đưa hai con trai về quê ngoại Sơn Trà sinh sống. Một thời gian sau, chị Tâm đi bước nữa với anh Lê Quang Hòa (xóm Tân Hoa) nhưng được 6 năm thì anh Hòa mất vì bệnh ung thư...

Nỗi buồn của chị Tâm trước gia cảnh đói nghèo
Nỗi buồn của chị Tâm trước gia cảnh đói nghèo

Túng bấn quá, chị đành phải làm nghề cuốc cỏ thuê cho các gia đình từ xã này sang xã khác. Mấy năm làm lụng, chị tằn tiện tới mức chưa bao giờ dám mua một chai nước mắm. Bữa ăn của 3 mẹ con chị là nồi canh lá khoai, lá rau má và thêm vài hạt muối. Tích lũy được lưng vốn ít ỏi 3 triệu đồng, vay của hàng xóm 1,5 triệu đồng, chị mua được mảnh vườn, dựng nhà tạm. Đầu tắt, mặt tối với hai sào ruộng khoán, cấy lúa xong, chị lại đi làm thuê. Tiền làm thuê tích cóp được lại tiếp tục lo chuyện lập gia đình cho con. Nhắc đến hai con, bỗng dưng chị bật khóc: “Đời mẹ đã khổ, đời con cũng khổ không kém. Thằng Đồng con trai đầu học đến lớp 4 phải bỏ học, còn thằng Duẩn không biết chữ. Tội nghiệp thằng Đồng suốt ngày đi làm phu nề, vợ vừa sinh đứa con trai chưa kịp mừng thì mẹ nó bị băng huyết chết”.

Tôi theo chị Tâm băng qua đồi thăm nơi Duẩn ở, thật không thể ngờ ngôi nhà của Duẩn còn xơ xác hơn túp lều chăn vịt trên đồng trũng nước sâu... Đang mải kể cho khách nghe những nỗi cơ cực của gia đình, bà Uông Thị Thuyên - người hàng xóm sang chơi bảo:

- Bà Tâm ở xa xóm, xa làng, lại thường đi làm thuê không ai thông tin cho bà ấy dự họp. Còn thằng Duẩn do không biết chữ nên họ bảo gạch chỗ nào thì gạch chỗ đó...

Anh Duẩn phân bua: - Bữa nớ họp xóm, em chỉ nghe ông Thân trong tiểu ban bình xét nói nhỏ: gia đình Duẩn năm nay “ra khỏi” danh sách hộ nghèo được rồi. Sau đó, mọi người bỏ phiếu kín, đến hôm sau thì xóm trưởng trực tiếp thông tin cho em biết.

Ông Trần Ngọc Minh - chồng chị Hiển 18 năm ốm đau, bệnh tật nhưng vẫn không được xét hộ nghèo
Ông Trần Ngọc Minh - chồng chị Hiển 18 năm ốm đau, bệnh tật nhưng vẫn không được xét hộ nghèo

Bà Thuyên kể tỉ mỉ chuyện bình xét phức tạp và “chiến thuật” tranh giành hộ nghèo trước cuộc họp thôn, tôi nghe mà cười ra nước mắt: “Tui thấy trường hợp như chú Quốc - con ông Chung ở xóm Kim Lộc, người ta nể nên bầu chú vào danh sách hộ nghèo, nhưng chú Quốc kiên quyết không nhận vì nhà cửa đàng hoàng, vợ chồng con cái đều khỏe, trâu, bò, lợn nhiều. Bản thân chú đi lơ xe tháng nào cũng có đồng ra đồng vào. Tôi phục chú là người biết ăn, biết ở”.

Ông Trần Thanh Nga - Chủ tịch UBND xã Sơn Mai cho biết: Xã có 625 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20%. Ông cũng bảo địa phương làm rất nghiêm, ưu tiên trước hết cho đối tượng chính sách và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, những gia đình như anh Trần Ngọc Minh ốm nằm liệt giường 18 năm, rồi gia đình hai mẹ con chị Tâm “nếm đủ lâm ly hoạn nạn” lại không được bình xét hộ nghèo, quả thực là vô lối.

Ông Nga cho biết thêm: “Xã Sơn Mai năm 2013 đạt tiêu chí thu nhập khá cao trong chương trình xây dựng NTM, bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng. Nếu rà soát từng hộ không có như thế đâu, nhưng một số chủ trang trại thu nhập hàng tỷ đồng, cộng lại chia bình quân nên Sơn Mai giành được tiêu chí ấy chứ nhìn riêng vào hoàn cảnh từng người thì không ít hộ thu nhập mỗi tháng chỉ vài trăm ngàn đồng”. Tôi thực sự ngạc nhiên, bởi Hà Tĩnh là địa phương có thành tích xóa mù đã hơn 2 thập kỷ, vậy mà, anh Duẩn đến bây giờ vẫn chưa biết đọc, biết viết. Nghèo cơm áo đã buồn, nghèo chữ nghĩa lại càng buồn hơn.

Tôi nghĩ, không chỉ riêng xã Sơn Mai, mà ở nhiều địa phương khác, những gia đình thực nghèo thường bị loại ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bao giờ chính sách ấy được thực thi công bằng? Cần lắm những công bộc thực sự vì dân, vì người nghèo.

Tháng 3/2014

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast