Địa chỉ tin cậy về chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật

Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp khi đến Trung tâm Châm cứu - Phục hồi chức năng nhân đạo huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) là những người khuyết tật đủ mọi lứa tuổi và giới tính. Đại đa số họ được Trung tâm nhận về chăm sóc nuôi dưỡng đều mắc các căn bệnh như: Tâm thần phân liệt mất trí, chất độc da cam, tàn tật bẩm sinh…

Trong số 20 người khuyết tật được Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng ở đây, may chăng còn có 3 – 5 người tự đi lại, chăm sóc bản thân và giúp đỡ những người đồng cảnh, còn lại đều nằm bại liệt một chổ, tay chân co quắp, không tự vệ sinh được cá nhân, miệng la hét ầm ỉ cả ngày đêm. Tận mắt nhìn và chứng kiến những cảnh tượng này, không chỉ chúng tôi mà bất kỳ ai đến đây đều trào dâng niềm thương vô hạn giữa con người với con người, thương cho số phận và cuộc đời bất hạnh những người khuyết tật phải chụi quá nhiều thiệt thòi đau khổ của đời làm người.

Cán bộ Trung tâm làm thủ tục đón người khuyết tật vào nuôi dưỡng
Cán bộ Trung tâm làm thủ tục đón người khuyết tật vào nuôi dưỡng

Ông Phan Gia Hướng – Giám đốc Trung tâm Châm cứu - Phục hồi chức năng nhân đạo Đức Thọ cho biết: Cả nước mới chỉ có khoảng 10 trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật tập trung ở tỉnh hoặc thành phố lớn. Ở Hà Tĩnh, Đức Thọ là huyện đầu tiên thành lập và duy trì hoạt động châm cứu phục hồi chức năng nhân đạo để nuôi dưỡng chăm sóc người khuyết tật theo mô hình tập tập trung. Việc thành lập Trung tâm là xuất phát từ lòng yêu nghề, thương bệnh nhân của lãnh đạo Ban giám đốc cùng tập thể đội ngũ châm cứu và cắt thuốc bắc của Trung tâm thừa kế Y học cổ truyền Đức Thọ trước đây.Bệnh nhân khuyết tật đến Trung tâm chủ yếu được phát hiện qua các đợt khám khám và điều tra người khuyết tật của cán bộ, thầy thuốc Trung tâm thừa kế y học cổ truyền.

Hiện nay, Trung tâm đang gặp nhiều khó khăn vì phải mượn nhà và cán bộ nhân viên của Trung tâm thừa kế y học cổ truyền Đức Thọ. Tuy vậy, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của huyện uỷ, UBND huyện Đức Thọ và các Ban, ngành, đoàn thể cấp trên nên Trung tâm từng bước ổn định, hoạt động nề nếp, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng chăm sóc tập trung cho 20 người khuyết tật, trong đó nam 10 người, nữ 10 người. Trung tâm đang gấp rút làm hồ sơ để trình lên các cấp có thẩm quyền sớm xét chế độ trợ cấp nuôi dưỡng người khuyết tật theo luật quy định. Trong tương lai, Trung tâm sẽ xây dựng nhà 2 tầng, 12 phòng khép kín, đủ các tiện nghi sinh hoạt và đón thêm hàng trăm người khuyết tật nữa vào nuôi dưỡng chăm sóc; liên kết với các tổ chức phi chính phủ phẩu thuật chân tay, môi miễn phí; tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho những người khuyết tật có khả năng tự lao động để kiếm sống bằng chính trên đôi bàn tay của họ.

Một bữa ăn tập thể của người khuyết tật tại Trung tâm
Một bữa ăn tập thể của người khuyết tật tại Trung tâm

Khu nội trú của những người khuyết tật trông thật gọn gàng và sạch sẽ. Tuy chỉ có 5 phòng, mỗi phòng có 4 giường cho 20 người khuyết tật ở đều có chăn màn, tủ đựng quần áo và nhà tắm và vệ sinh. Bà Đinh Thị Tửu - mẹ của bệnh nhân khuyết tật Phan Thị Hoà, 36 tuổi xúc động tâm sự: Hơn 30 năm nay một mình tôi bươn chải ngày đêm nuôi nó. Bố Hoà là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1975. Nhiều hôm nhìn con như người vô hồn, sống theo kiểu thực vật, không tự chăm sóc được bản thân còn làm phiền luỵ đến những người khác nhưng tôi đành cam chịu vì số phận. Từ ngày đến Trung tâm lại nay tôi thấy mọi cử chỉ của Hoà dường như hoạt bát hơn, vui chơi và thân thiệt với những người đồng cảnh.

Còn ông Nguyễn Văn Hưng – ông ngoại của bệnh nhân khuyết tật Phan Anh Cương, 8 tuổi nói: Cháu bị bại liệt, mất trí nhớ lúc còn nhỏ. Bố của Cương chẳng may bị tại nạm giao thông mất được ít năm sau thì mẹ nó đi thêm bước nữa vì vậy cháu ở với ông bà ngoại. Nay chúng tôi tuổi cao, sức yếu, tự chăm sóc được bản thân còn khó huống chi chăm sóc thêm người khuyết tật trong gia đình. Thương cháu, nhiều năm qua ông bà cắn răng chịu khó nuôi dưỡng cháu Cương. Nay nhờ Trung tâm châm cứu phục hồi chức năng nhân đạo huyện đón về chăm sóc nuôi dưỡng chúng tôi thật sự biết ơn đến chừng nào. Nhớ cháu, hàng tuần chúng tôi đến thăm và mua quà cho cháu...

Hy vọng rằng Trung tâm châm cứu phục hồi chức năng nhân đạo Đức Thọ sẽ hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng người khuyết tật đúng với chức năng và nhiệm vụ cấp trên giao. Xứng đáng là Trung tâm tình thương tin cậy, địa chỉ gửi gắn của các tổ chức tập thể, các nhà hảo tâm tìm đến để làm việc thiện.

Mọi sự hỗ trợ bằng tiền hoặc vật chất xin gửi về địa chỉ: Trung tâm châm cứu phục hồi chức năng nhân đạo Đức Thọ, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Điện thoại: 039.3892573.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast