Đổi sổ ghi chép ban đầu: Góp phần tổng điều tra, rà soát dân số

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, ngành dân số Hà Tĩnh đang dồn sức triển khai kế hoạch đổi sổ ghi chép ban đầu về công tác DS-KHHGĐ (đổi sổ A0). Đây được xem là đợt cao điểm góp phần thực hiện thành công tổng điều tra, rà soát về công tác dân số và nâng cao chất lượng thông tin, số liệu thống kê chuyên ngành phục vụ điều hành, quản lý công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới.

Chị Hoàng Thị Thùy Dương, cán bộ Phòng Truyền thông - Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, 13 huyện, thành, thị đã thành lập ban chỉ đạo, đồng thời, triển khai việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ dân số cấp cơ sở về vấn đề này”.

doi so ghi chep ban dau gop phan tong dieu tra ra soat dan so

Cán bộ dân số xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) đến từng gia đình thu thập dữ liệu biến động dân số.

Việc đổi sổ ghi chép A0 của ngành dân số sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của công tác dân số trong việc theo dõi biến động, phân nhóm đối tượng khi tuyên truyền thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Chị Trần Thị Kim Liên – cộng tác viên (CTV) dân số tổ dân phố Liên Phú 2 (phường Kỳ Liên - TX Kỳ Anh) cho biết: “Tôi rất mong việc đổi sổ sẽ mau chóng được hoàn thiện. Như thế, chúng tôi có thể bổ sung được những nhân khẩu còn thiếu, nắm bắt dễ dàng hơn các nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, những người thực hiện các biện pháp KHHGĐ để chủ động trong việc lập danh sách tuyên truyền, vận động”.

Để hoàn thiện kho dữ liệu đòi hỏi đội ngũ cán bộ dân số cơ sở phải đến từng ngõ, gõ từng nhà. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành và lợi ích của việc đổi sổ nên đội ngũ cán bộ dân số cấp cơ sở đều nhiệt tình vào cuộc.

Chị Phan Thị Dạ Thảo - cán bộ dân số phường Kỳ Liên (TX Kỳ Anh) cho biết: “Với địa bàn có số lượng dân số di biến động lớn nên việc điều tra, rà soát gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, sự thay đổi của một số biểu mẫu cũng khiến chúng tôi rất lúng túng. Tuy nhiên, xác định đây là dịp để kiện toàn, bổ sung những thông tin còn thiếu, chỉnh sửa những thông tin sai sót để quản lý nhân khẩu tốt hơn, có kế hoạch thực hiện các biện pháp truyền thông hiệu quả hơn, cùng với sự tập huấn, hướng dẫn cụ thể của ngành  nên chúng tôi rất sẵn sàng”.

Trong quá trình triển khai việc đổi sổ, ngành dân số Hà Tĩnh cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là việc đội ngũ CTV dân số có sự xáo trộn khi thực hiện kiện toàn lại theo tinh thần Nghị quyết 165 của HĐND tỉnh (gộp 3 chức danh: CTV dân số, CTV gia đình và y tế thôn bản). Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, chính quyền một số địa phương đã có cách làm sáng tạo.

Chị Phạm Thị Hồng Thanh - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đức Thọ chia sẻ: “Với chúng tôi, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 165 được thực hiện một cách linh động. Đối với những y tế thôn bản còn trẻ, chúng tôi thực hiện gộp chức danh để vừa trẻ hóa đội ngũ, vừa tạo điều kiện để các CTV tăng thêm nguồn phụ cấp, giúp họ yên tâm công tác. Đối với cán bộ y tế thôn bản tuổi đã cao, vẫn để nguyên vai trò của CTV dân số và mức phụ cấp vẫn giữ nguyên theo chế độ của tỉnh cấp bấy lâu nay. Theo đó, thời gian qua, huyện đã kiện toàn lại đội ngũ CTV dân số theo hướng trẻ hóa và đã thay đổi gần 100 CTV. Từ đó, tạo luồng gió mới trong việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của ngành, trước mắt là có thể đáp ứng tốt các bước trong quá trình đổi sổ”.

Tại TX Hồng Lĩnh, việc thực hiện Nghị quyết 165 cũng được trung tâm DS-KHHGĐ triển khai thực hiện bằng cách tham mưu các xã, phường lựa chọn, bố trí đội ngũ CTV dân số phù hợp với địa bàn và yêu cầu công việc. Với đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, thì việc rà soát, điều tra nhập dữ liệu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, đặc biệt là sự sẵn sàng của đội ngũ cán bộ, CTV dân số cấp cơ sở, công tác đổi sổ ở Hà Tĩnh đang được triển khai đúng quy trình, tiến độ đề ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast