Những vướng mắc cần sớm tháo gỡ!

(Baohatinh.vn) - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Hà Tĩnh đang đẩy mạnh công tác tổng rà soát thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình rà soát còn có một số vướng mắc và đang được cơ quan liên quan tập trung xử lý.

Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công

Bám sát chủ trương, chỉ đạo quyết liệt

Ngay sau khi có các chỉ thị, kế hoạch của T.Ư, của tỉnh về việc triển khai tổng rà soát và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã bám sát chủ trương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hội, đoàn thể. Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho trên 14.000 cán bộ là thành viên BCĐ, ban rà soát, tổ rà soát với 49 lớp. Trong quá trình rà soát, một số huyện kịp thời giao ban để bổ cứu, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo để triển khai một cách hiệu quả.

Cán bộ Ban chỉ đạo tổng rà soát cấp tỉnh kiểm tra các hồ sơ tại tổ rà soát khối phố 2, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh.
Cán bộ Ban chỉ đạo tổng rà soát cấp tỉnh kiểm tra các hồ sơ tại tổ rà soát khối phố 2, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh.

Đặc biệt, xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rà soát và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tập trung cao độ, kịp thời công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung dễ hiểu, đảm bảo yêu cầu đề ra. Thông qua hệ thống báo cáo viên cấp ủy, báo chí truyền thông các cấp và hệ thống loa phát thanh tại thôn xóm, khu dân cư… hầu hết người dân đã nắm được chủ trương, phương pháp, quy trình kê khai đối tượng được hưởng các chế độ, chính sách.

Đến nay, 100% địa phương triển khai rà soát đối tượng với hơn 74.400 phiếu đã chuyển về tổ rà soát tiến hành ghi thông tin vào phiếu, tổng hợp theo quy định; trong đó 2.157 thôn, xóm cơ bản hoàn thành việc ghi phiếu, điền phiếu và lập danh sách theo các loại đối tượng, báo cáo về UBND cấp xã hoàn chỉnh danh sách và niêm yết công khai, dân chủ tại thôn, xóm theo quy định. Các huyện, thị xã, thành phố bàn giao kịp thời cho ban rà soát cấp xã gần 3.000 cuốn sổ tay tóm tắt một số nội dung cơ bản về chính sách người có công để phục vụ công tác tổng rà soát.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Ông Võ Xuân Linh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, đây là chủ trương lớn, phạm vi rà soát rộng, nhiều thủ tục hồ sơ pháp lý, vì vậy, trong quá trình triển khai ở cơ sở còn gặp một số vướng mắc. Công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo của một số ban rà soát cấp huyện, xã còn hạn chế, chưa thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.

Qua thực tế chúng tôi thấy, ngay cả một số cán bộ trong tổ rà soát cũng chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc rà soát, nội dung các nghị định, thông tư hướng dẫn để hướng dẫn đối tượng kê khai, dẫn đến chậm tiến độ. Một số người xem đây là đợt thanh tra, kiểm tra toàn diện đối tượng người có công, kiến nghị bỏ phiếu kín; đưa vào rà soát các đối tượng không thuộc diện rà soát lần này. Qua rà soát đã phát hiện một số đối tượng hưởng chế độ thương binh, chất độc hóa học không đúng, không lập danh sách riêng theo quy định, do sợ hằn thù cá nhân, còn nể nang, thiếu khách quan...

Ông Nguyễn Văn Tài - Tổ trưởng Tổ rà soát khối phố 5, phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) cho biết, có trường hợp gia đình đã hưởng chế độ ưu đãi đối với liệt sỹ nhưng khi hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ thì không giải quyết được. Lý do trong hồ sơ ghi là tử sỹ nhưng khi gia đình trực tiếp lục tìm hồ sơ gốc thì vẫn ghi là liệt sỹ và có hồ sơ lưu trong danh sách tại Cục Chính sách Tổng cục Chính trị. Trường hợp này giải quyết như thế nào thì cán bộ tổ rà soát vẫn còn lúng túng. Hay như tại xã Quang Lộc (Can Lộc) có đối tượng không có hộ khẩu thường trú tại nơi nhận trợ cấp, đã làm thủ tục chuyển đi nhưng thực tế không chuyển thì phải kê khai như thế nào? Đối với những trường hợp chưa có tên trong danh sách hỗ trợ nhà ở theo QĐ 22/QĐ-TTg, nhưng nhà của họ không đảm bảo “3 cứng” thì có được phản ánh vào phiếu rà soát không?...

Ông Võ Xuân Linh cho biết thêm, để cuộc tổng rà soát và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng chính xác, khách quan, đảm bảo tiến độ, đáp ứng nguyện vọng người có công và toàn xã hội, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục có văn bản hướng dẫn BCĐ cấp huyện và ban rà soát cấp xã xử lý kịp thời việc rà soát các nhóm đối tượng tại các xã, thôn, xóm. Đối với hồ sơ có thông tin cá nhân (họ, tên, tên đệm, năm sinh, cả họ và tên) trong hồ sơ gốc của người có công sai so với thông tin cá nhân thực tế của đối tượng, nhất là hồ sơ phong tặng, truy tặng danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng (theo NĐ 56), yêu cầu phòng LĐ-TB&XH tập trung phối hợp với phòng nội vụ kiểm tra, xác minh ngay tại xã, phường, thị trấn để phân theo nhóm, kiến nghị đề xuất bổ sung đầy đủ hồ sơ cho đối tượng theo quy định.

Bên cạnh đó, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các ngành tham gia thành viên BCĐ tiếp tục phân công cán bộ trực tiếp về xã, phường, thị trấn để chỉ đạo, giám sát tổng hợp, phân nhóm đối tượng theo hướng dẫn, đặc biệt, quan tâm số đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến đủ điều kiện chưa được hưởng chế độ, chính sách người có công; đối tượng qua rà soát phát hiện hưởng sai chế độ... phối hợp với Sở LĐ-TB&XH xem xét xử lý.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã giao phòng LĐ-TB&XH cùng Hội Cựu TNXP phối hợp các phòng, ban liên quan kiểm tra, xác minh cụ thể 702 đối tượng TNXP có hoàn cảnh khó khăn, có vợ hoặc chồng, có con đang hưởng trợ cấp hàng tháng 120.000 đồng theo QĐ 104 năm 1999 đến nay chưa điều chỉnh sang hưởng mức 360.000 đồng/tháng theo QĐ số 40/2011 của Thủ tướng chính phủ (vì theo quy định tại QĐ số 40/2011 thì TNXP là người không còn khả năng lao động, hiện sống cô đơn, không nơi nương tựa mới được hưởng trợ cấp hàng tháng) báo cáo về Sở LĐ-TB&XH tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định hiện hành.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast