Phấn đấu đến 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em

Đây là một trong những chỉ tiêu đề ra tại Dự thảo "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 – 2020" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa soạn thảo.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể đối với vấn đề văn hóa, vui chơi cho trẻ em như: phấn đấu năm 2020, 100% các tỉnh sẽ có nhà văn hóa thiếu nhi; tăng tỷ lệ bản sách xuất bản dành cho trẻ em/tổng số sách xuất bản từ 13% năm 2015 lên 14% vào năm 2020…

Trao đổi với Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ LĐTBXH cho biết: Trong 10 năm qua, vấn đề vui chơi, giải trí (VCGT) của trẻ em ngày càng được quan tâm hơn; tỷ lệ xã, phường có điểm VCGT cho trẻ em đã tăng từ 30% (năm 2001) lên 38,4% (năm 2010); 47% quận, huyện có trung tâm VCGT cho trẻ em.

Phấn đấu đến năm 2020 có 45% xã, phường trên cả nước có điểm vui chơi dành cho trẻ em
Phấn đấu đến năm 2020 có 45% xã, phường trên cả nước có điểm vui chơi dành cho trẻ em

Nhiều khu VCGT cho trẻ em đã được hình thành với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân đã tạo nên những điểm VCGT có chất lượng cao, thu hút sự quan tâm của cả trẻ em và người lớn.

Một số khu vui chơi giải trí quy mô lớn như Đầm sen, Suối Tiên, Kỳ Hòa, Lạc cảnh Đại Nam văn hiến ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương; Công viên nước, Công viên Vầng Trăng, Thiên đường Bảo Sơn ở TP. Hà Nội. Bên cạnh đó cũng có một số điểm VCGT quy mô nhỏ trong các trung tâm thương mại, khu du lịch ở các địa phương như VINCOM, VINBERN... phần nào đã đáp ứng nhu cầu VCGT của trẻ em.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐTBXH, tuy nhiều khu VCGT, nhiều loại hình VCGT cho trẻ em đã được hình thành nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, các điểm VCGT cho trẻ em cấp xã, phường và hệ thống nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện không có sự thay đổi lớn.

Bộ cho biết, tính đến năm 2008, cả nước có khoảng 4.200 điểm VCGT cho trẻ em ở cấp xã, phường đạt tỷ lệ 38,4% tổng số xã, phường. Như vậy so với chỉ tiêu đề ra cho năm 2010 là 50% thì chưa đạt được.

Hệ thống nhà văn hoá thiếu nhi cấp tỉnh và huyện cũng trong tình trạng tương tự, năm 2003 có 274, năm 2005 tăng lên 304 và đến năm 2008 tăng lên 307, trong đó có 58 nhà văn hoá thiếu nhi cấp tỉnh (5 tỉnh vẫn chưa có), 244 nhà văn hoá thiếu nhi cấp huyện (còn trên 440 huyện chưa có).

Đó là chưa kể, các hoạt động văn hóa, VCGT cho trẻ em phần lớn tập trung ở các đô thị, tỉnh, thành phố nên trẻ em ở vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa tiếp cận nhiều với các hoạt động này.

Để khắc phục tình trạng trên, khi xây dựng dự thảo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 – 2020, Bộ LĐTBXH đã đề xuất sẽ quy hoạch mạng lưới các trung tâm VCGT, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm VCGT cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em. Đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách bắt buộc các khu đô thị, các trung tâm thương mại lớn phải có khu vực VCGT dành cho trẻ em. Đồng thời, sẽ có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở văn hoá, VCGT, thể dục, thể thao dành cho trẻ em...

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast