Tăng cường công tác giám định danh tính liệt sĩ

Trong chương trình "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời", tối 26/7, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết việc xác định danh tính liệt sĩ đã đạt được những kết quả bước đầu và sẽ được quan tâm, đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Thưa Bộ trưởng, một người dân gửi thư đến chương trình như sau: Tôi có người anh cả đã viết "huyết tâm thư" để vào chiến đấu trong chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị. Anh tôi đã bị thương, được đưa về chữa trị và sau đó hi sinh tại Quảng Trị nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần. Tôi đã đến Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) tìm hiểu, nhưng thời điểm đó theo danh sách mộ liệt sĩ lưu tại Cục lại không có phần mộ của liệt sĩ Vũ Đình Cường, quê quán tại Lạch Tray, Lê Chân, Hải Phòng, là anh tôi. Trường hợp của anh tôi có giấy chứng tử, có bằng Tổ quốc ghi công, sao không có trong danh sách mộ liệt sĩ tại Cục Người có công và công tác quy tập mộ liệt sĩ có những cải tiến như thế nào để giúp những gia đình như gia đình tôi tìm thấy phần mộ của người thân, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trước tiên, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2015), cho phép tôi gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, những gia đình người có công và bản thân người có công lời tri ân và lòng biết ơn sâu sắc. Việc quản lý hồ sơ người có công, trong đó có gia đình liệt sĩ, là do Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) quản lý. Trên 1 triệu liệt sĩ đều có hồ sơ quản lý.

Trường hợp như chị hỏi, chúng tôi đã cho xem xét và biết rằng có 8 liệt sĩ tên là Vũ Đình Cường, trong đó có 2 liệt sĩ quê ở Hải Phòng, và 1 liệt sĩ quê ở Lạch Tray, Hải Phòng. Gia đình nên đối chiếu lại với Cục Người có công khi có số bằng Tổ quốc ghi công cụ thể. Tôi nghĩ rằng trường hợp kể trên là người thân mà gia đình đang quan tâm.

Hoạt động xác định danh tính của các liệt sĩ đã có những cải thiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đảng và Nhà nước đã có 1 chương trình rất lớn, giao Bộ LĐTB&XH chủ trì xây dựng một đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Đến nay, đã có trên 8.000 trường hợp danh sách các liệt sĩ mà chưa có tên đã được chúng tôi đã triển khai lấy mẫu phẩm, cùng với 3 viện của Bộ Quốc phòng, Công an và một viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Và hiện tại các viện này đã, đang phân tích gen của các mẫu phẩm. Cùng với đó, chúng tôi đã lấy trên 2.000 mẫu phẩm của thân nhân các liệt sĩ tham gia chiến đấu. Các mẫu phẩm của thân nhân, cũng như của các hài cốt của các anh đã được tiến hành phân tích. Đến nay, số xác định được danh tính mới là bước đầu và con số này chưa nhiều.

Đây là kết quả bước đầu. Nhà nước, Chính phủ đã giao và cho phép nâng cấp 3 trung tâm phân tích gen để sớm xác định danh tính các liệt sĩ, trên cơ sở đó Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác thực hiện việc này.

Đây là một trường hợp khác. Phong bì này mới đến tay chương trình ngày 1/7 của các cựu dân quân tập trung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở phường Phương Lâm, TP Hòa Bình. Theo nội dung của bức thư, các dân quân cho biết họ vừa sản xuất vừa chiến đấu liên tục từ tháng 3/1963-1/1973, có xác nhận của những lãnh đạo nguyên là chỉ huy. Tuy vậy, cán bộ trợ lý chính sách Ban Chỉ huy quân sự TP Hòa Bình lại yêu cầu họ chỉ kê khai áng chừng mỗi năm khoảng 4-5 tháng trực tiếp chiến đấu đánh máy bay Mỹ. Nếu không khai như vậy thì họ sẽ không được tiếp nhận hồ sơ để làm chế độ. Những cựu dân quân này viết trong thư hỏi rằng khai như vậy là không đúng với thực tế của họ, thì điều đó có ảnh hưởng đến quyền lợi của họ hay không và trong trường hợp này thì nên làm như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý Nhà nước triển khai xác lập hồ sơ, xem xét quyết định giải quyết. Bức thư này tôi xin nhận và chuyển cho Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khi đã có chính sách thì người tham gia bao nhiêu lâu phải được hưởng bấy nhiêu, chứ cách chỉ khai từ 3-4 tháng thì chắc là Bộ Quốc phòng sẽ xem xét lại vấn đề này.

Xin gửi đến Bộ trưởng câu hỏi của một sinh viên Đại học cho biết: Bố cháu là thương binh nhưng nay đã mất. Xin hỏi Bộ trưởng, cháu có được nhận chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo dành cho con của thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng hay không?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Phải nói rằng chế độ ưu đãi dành cho con các thương binh, liệt sĩ, bệnh binh được Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều năm nay. Trong chính sách này kể cả những đồng chí thương, bệnh binh còn sống hay đã mất thì người con đều được hưởng chính sách.

Đây là thư của ông Nguyễn Quang Hiên, trú tại An Lão, Hải Phòng là bộ đội chiến đấu từ năm 1972-1975 qua các chiến trường như Xiêng Khoảng (Lào), Quảng Trị, Sông Bé, Biên Hòa và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông xuất ngũ về địa phương năm 1975, có sinh ra 5 người con thì một người bị bệnh nặng mất ngay sau khi sinh. Còn người con thứ ba lập gia đình, sinh ra 1 cháu đầu tiên không có ngón tay, rồi bị toàn thân mụn nước, sau 4 năm thì mất. Một người cháu khác của ông cũng bị mụn, phồng rộp toàn thân, da không bao giờ lành. Ông đã có làm thủ tục gửi ban chính sách xã đã 15 năm nhưng chưa được giải quyết chế độ. Ông hỏi: Thưa Bộ trưởng, liệu ông cháu tôi đã đủ điều kiện để làm chế độ người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và bị phơi nhiễm thế hệ thứ ba hay chưa?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đối với người tham gia kháng chiến có quy định mắc bệnh trong 17 bệnh do ảnh hưởng của chất độc da cam thì sẽ được hưởng chế độ. Những trường hợp tham gia nhưng bị vô sinh cũng được hưởng chế độ tương tự. Thứ ba là khi sinh ra những người con bị ảnh hưởng trực tiếp thì cũng được hưởng. Chính sách với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam rất rõ.

Như trường hợp này là thế hệ thứ ba, đến thời điểm này chưa có chính sách quy định rằng thế hệ thứ ba được hưởng chế độ là đối tượng nạn nhân chất độc da cam. Trên cơ sở ý kiến hôm nay, chúng tôi sẽ báo cáo với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan chuyên môn, xem xác định chất độc da cam có ảnh hưởng tới thế hệ thứ ba hay không. Nếu ảnh hưởng, chắc chắn tới đây Đảng, Nhà nước sẽ xem xét mức độ để hỗ trợ.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo VGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast