Tạo môi trường lành mạnh cho trẻ

Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã phát huy tác dụng thiết thực. Từ mô hình này, trẻ em nói chung và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn, đúng như mục tiêu “xây dựng một cộng đồng mà ở đó mọi trẻ em đều được bảo vệ, được vui chơi giải trí và phát triển tinh thần, tình cảm, đạo đức, khả năng cá nhân trong môi trường thuận lợi và an toàn”.

Sân chơi cho trẻ khuyết tật

Đã đều đặn gần 10 tháng nay, cứ đến thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần, các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xã Thạch Bằng (Lộc Hà) lại tụ tập về nhà văn hóa thôn để tham gia sinh hoạt câu lạc bộ “Chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. 118 em tham gia sinh hoạt tại 5 câu lạc bộ, mỗi em có một hoàn cảnh riêng. Có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, cháu thì bố mẹ đi tù, đáng thương hơn cả là những em bị tàn tật. Đa số các em đều không thể hòa nhập với những đứa trẻ bình thường khác. Bởi vậy câu lạc bộ ra đời chính là sân chơi lành mạnh để các em được hòa nhập với cộng đồng.

Một buổi sinh hoạt của CLB

Một buổi sinh hoạt của CLB

Trong số những đứa trẻ tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ Phú Mậu Xuân (Thạch Bằng) thì cháu Lê Thị Linh (xóm Xuân Hải) có hoàn cảnh éo le hơn cả. Bản thân cháu Linh bị bệnh thiểu năng trí tuệ, di chứng từ người mẹ mắc bệnh tâm thần của mình. Không riêng gì Linh, có rất nhiều các em ở đây đều có số phận éo le như thế, đa số đều là những cháu bị tàn tật, thiểu năng trí tuệ nên đều do bố mẹ hoặc người nhà đưa đi.

Bế trên tay đứa con mắc bệnh bại não và bệnh tim bẩm sinh, từ khi sinh ra đến nay chỉ biết nằm một chỗ, chị Đặng Thị Thu Hương (xóm Phú Mậu) chia sẻ với chúng tôi: “Ban đầu khi nghe đến CLB, gia đình tôi không quan tâm. Nhưng khi các chị trong CLB đến nhà động viên, tôi cũng bế cháu ra tham gia. Không ngờ sau đấy tuần nào cháu cũng đòi mẹ bế ra chơi cho bằng được”

Từ chỗ đến từng nhà vận động, giờ cứ đều đặn cuối tuần, không ai bảo ai, nghe loa phát thanh xóm thông báo thì các bố các mẹ lại bế các cháu đi sinh hoạt. Ở các buổi sinh hoạt, mọi người sẽ cùng thăm hỏi, động viên nhau về tinh thần. Tại đây các cháu còn được ca hát và tham gia các trò chơi vui nhộn, trả lời các câu hỏi đố vui và giành phần thưởng. Cuối buổi sinh hoạt thường có quà để động viên khiến các cháu vô cùng thích thú.

Chị Phan Thị Mai Hương – Phó trưởng phòng BVCSGDTE, Sở Lao động TB&XH cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng CLB tại xã Thạch Bằng thành mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương khác trong toàn tỉnh, để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có một sân chơi riêng lành mạnh. Đây cũng là tiêu chí quan trọng trong đánh giá xếp loại xã phường phù hợp với trẻ em”.

Chung tay xây dựng mô hình

Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em ở Hà Tĩnh được triển khai từ lâu nhưng, phải đến khi Quyết định 37 (năm 2010) của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em và Thông tư 22 của Bộ LĐTB&XH về quy trình, thủ tục đánh giá và công nhận xã phường phù hợp trẻ em thì công tác này mới thực sự hiệu quả.

Hà Tĩnh đã thành lập được Ban điều hành và nhóm công tác liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện; Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em cấp xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh có 57,8% xã, phường phù hợp với trẻ em. Các huyện triển khai tốt công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ như: Cẩm Xuyên, Thị xã Hồng Lĩnh, Thạch Hà, Nghi Xuân, Hương Khê.

Ngoài ra, Sở LĐTB&XH cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện các chương trình cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em, Hà Tĩnh đã triển khai gắn nội dung, tiêu chuẩn đánh giá với các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương nên mang lại hiệu quả cao. Hầu hết các xã, phường đều làm tốt việc phối hợp, khâu nối giữa các ban ngành đàn thể như: y tế, giáo dục, tư pháp, công an, địa chính, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…

Trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang cần được quan tâm. Ảnh minh họa

Trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang cần được quan tâm. Ảnh minh họa

Trong số 25 tiêu chí đánh giá xã phường phù hợp trẻ em, có rất nhiều xã đạt điểm tối đa ở một số tiêu chí, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em. Các xã phường được đánh giá phù hợp đều đạt điểm số từ 750 trở lên (đối với những xã ở vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo là 650 điểm). Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có nhiều tiêu chí không dễ dàng thực hiện. Chẳng hạn, tỷ lệ huy động trẻ em đến nhà trẻ, lớp mẫu giáo trong năm phải đạt 95% trở lên. Tỷ lệ hộ gia đình (có trẻ em) sử dụng hố xí hợp vệ sinh từ 85% trở lên…

Ngoài những tiêu chí cốt yếu, Quyết định của Thủ tướng cũng quy định rõ: các xã, phường phải có điểm vui chơi giải trí, tổ chức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em. Việc tổ chức trại hè cho thiếu nhi, ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, Tết Trung thu… cũng phải được tiến hành chu đáo.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lê Thị Mai Hoa cho biết: “Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã phát huy tác dụng thiết thực. Từ mô hình này, trẻ em nói chung và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đã được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn, không có trường hợp trẻ bị xâm hại mà không được xử lý, giúp đỡ, hỗ trợ. Ngoài nỗ lực của các ngành, các cấp và địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức để mọi người ý thức, có trách nhiệm hơn nữa đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bởi đó cũng chính là bảo vệ, chăm lo cho gia đình mình và xã hội”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast