Vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khó triển khai ở Cẩm Xuyên và TX Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Kết quả giám sát của Hội Nông dân Hà Tĩnh cho thấy, người sử dụng lao động trên địa TX Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên chưa mặn mà tiếp cận chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Ngày 13/4, đoàn giám sát chuyên đề Hội Nông dân Hà Tĩnh triển khai giám sát và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ tại thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên; làm việc với Phòng Giao dịch (PGD) Ngân hàng CSXH tại 2 địa phương này.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy - Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khó triển khai ở Cẩm Xuyên và TX Kỳ Anh

Đoàn giám sát do Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy làm trưởng đoàn làm việc tại PGD Ngân hàng CSXH thị xã Kỳ Anh.

Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Nghị quyết 68/NQ-CP) và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Quyết định 23/2021/QĐ-TTg), Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo PGD thị xã Kỳ Anh và PGD huyện Cẩm Xuyên đã đẩy mạnh tuyên truyền chính sách để doanh nghiệp tiếp cận. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị như: Phòng LĐ-TB&XH, Chi cục Thuế, Bảo hiểm xã hội… rà soát, nắm bắt nhu cầu, xác nhận thông tin của các đối tượng vay vốn, đảm bảo cho vay minh bạch, đúng đối tượng.

Đến 31/3/2022, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 9 người sử dụng lao động số tiền trên 5,4 tỷ đồng với 1.716 lượt lao động được thụ hưởng, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao.

Tại PGD Ngân hàng CSXH thị xã Kỳ Anh đã rà soát nhu cầu vay vốn của 65 người sử dụng lao động, trong đó trực tiếp làm việc với 25 người sử dụng lao động; PGD Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên đã rà soát nhu cầu vay vốn của 125 người sử dụng lao động, trong đó trực tiếp làm việc với 3 người sử dụng lao động. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/3/2022, cả hai PDG đều không có người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn.

Vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khó triển khai ở Cẩm Xuyên và TX Kỳ Anh

Ông Nguyễn Tiến Thức - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh: Chi nhánh đã rà soát nhu cầu vay vốn của 1.508 người sử dụng lao động, trong đó trực tiếp làm việc với 94 người sử dụng lao động. Đến 31/3/2022, chi nhánh đã giải ngân cho 9 người sử dụng lao động số tiền trên 5,4 tỷ đồng với 1.716 lượt lao động được thụ hưởng, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao.

Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 23/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ngày 8/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ngày 6/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 33/QĐ-TTg quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23/QĐ-TTg.

Tại các buổi làm việc với PGD Ngân hàng CSXH thị xã Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên, các thành viên trong đoàn giám sát, các địa phương và Ngân hàng CSXH đã phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai chính sách tại địa phương.

Vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khó triển khai ở Cẩm Xuyên và TX Kỳ Anh

Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh: TX Kỳ Anh là địa bàn sôi động với hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh, trong đó nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp phát sinh vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách còn có những hạn chế.

Trong đó, tại thị xã Kỳ Anh, nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp không tiếp cận chính sách là do đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa; số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ít, chủ yếu sử dụng lao động thời vụ nên số tiền vay không nhiều, dẫn đến doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Một số doanh nghiệp không vay vì muốn hưởng các chế độ thất nghiệp hoặc các chính sách khác của tỉnh; thời gian vay ngắn, số tiền vay không nhiều nên doanh nghiệp chưa mặn mà…

Tại Cẩm Xuyên, không có người sử dụng lao động có lao động ngừng việc mà chỉ có lao động nghỉ không lương nên không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện vay vốn.

Vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khó triển khai ở Cẩm Xuyên và TX Kỳ Anh

Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Đức báo cáo tình hình triển khai chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trên địa bàn.

Theo rà soát, khi triển khai, hướng dẫn, tiếp cận và rà soát hồ sơ pháp lý của người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có một số khó khăn, vướng mắc như: khách hàng không cung cấp được thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, khách hàng có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng nên không đủ điều kiện vay vốn...

Vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khó triển khai ở Cẩm Xuyên và TX Kỳ Anh

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy - Trưởng đoàn giám sát kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy - Trưởng đoàn giám sát khẳng định: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg là chính sách nhân văn.

Thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động phối hợp, triển khai kịp thời, bài bản, đồng bộ; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý vướng mắc song kết quả chưa được như kỳ vọng. Chính sách đã hết thời hạn cho vay song chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn TX Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên hấp thụ được chính sách.

Thời gian tới, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Mai Thủy đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục quan tâm, tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhằm đồng hành với doanh nghiệp, người dân trong việc khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành cần làm tốt công tác tham mưu, quá trình thực hiện có khó khăn phát sinh cần đề xuất giải pháp tháo gỡ, để các chính sách đi vào thực tiễn.

Ngân hàng CSXH cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết và hấp thụ chính sách; các đoàn thể cần tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai. Qua đó góp phần hỗ trợ, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch.

Trước đó, đoàn giám sát Hội Nông dân tỉnh đi nắm bắt tình hình hoạt động tại Công ty CP Gia Việt ĐCR (phường Hưng Trí - TX Kỳ Anh); Công ty TNHH Hồng Định (phường Kỳ Trinh - TX Kỳ Anh), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ký Hiền và Trường Mầm non Song ngữ Tokyo (thị trấn Cẩm Xuyên).

Theo kế hoạch, ngày mai (14/4), đoàn giám sát tiếp tục làm việc nội dung này tại PGD Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà và Ngân hàng CSXH tỉnh.

Vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khó triển khai ở Cẩm Xuyên và TX Kỳ Anh

Đoàn giám sát nắm tình hình tại Công ty CP Gia Việt ĐCR (TX Kỳ Anh)...

Vốn vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khó triển khai ở Cẩm Xuyên và TX Kỳ Anh

... và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ký Hiền (thị trấn Cẩm Xuyên).

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast