Ba bài học sâu sắc

(Baohatinh.vn) - Kẻ thù đã cướp đi cuộc sống của đồng chí Trần Phú khi vừa mới 27 tuổi đời! Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn mà ý nghĩa của nó sẽ còn mãi mãi với sự nghiệp của Đảng và của dân tộc. Tấm gương chói sáng của đồng chí Trần Phú đã hội tụ nhiều giá trị và phẩm chất cao quý, mãi mãi là những bài học sâu sắc cho chúng ta hôm nay và mai sau.

GS. Nguyễn Đức Bình

Tượng đài TBT Trần Phú tại TP Hà Tĩnh. Ảnh: hatinhcity.gov.vn
Tượng đài TBT Trần Phú tại TP Hà Tĩnh. Ảnh: hatinhcity.gov.vn

1. Bài học số 1 mà đồng chí để lại là vấn đề lý tưởng, lẽ sống. Xuất thân trong một gia đình nhà nho, lại có trí thông minh đặc biệt, đồng chí đã đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại Trường Quốc học Huế. Nếu muốn “vinh thân, phì gia”, Trần Phú đã có thể đi theo một con đường khác. Nhưng truyền thống gia đình và quê hương đã sớm hình thành nơi anh chí hướng yêu nước và cách mạng. Từ chối con đường làm quan, anh chọn nghề dạy học để đến với thế hệ thanh, thiếu niên. Với tất cả bầu máu nóng của mình, anh muốn truyền cho họ tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho một xã hội bình đẳng, không còn áp bức, bất công.

Những hoạt động yêu nước của Hội Phục Việt, phong trào đấu tranh sôi nổi của giai cấp công nhân tại TP Vinh rồi tiếng bom của Phạm Hồng Thái… đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự lựa chọn của Trần Phú. Anh quyết định bỏ nghề dạy học để dấn thân vào con đường cách mạng chuyên nghiệp. Cũng như các thanh niên ưu tú lúc bấy giờ, anh đến Quảng Châu, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được bồi dưỡng về lý luận Mác - Lênin, được kết nạp vào Cộng sản Đoàn. Từ chủ nghĩa yêu nước, anh đến với lý tưởng cộng sản. Hạnh phúc đối với Trần Phú là anh đã bắt gặp lý tưởng thời đại mới. Anh quyết tâm đi theo con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi, quyết tâm hiến dâng đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn.

2. Bài học thứ hai là vấn đề trau dồi lý luận cách mạng. Từ sự lúng túng về đường lối của Hội Hưng Nam, Trần Phú rất thấm thía lời dạy của V.I. Lênin, qua sự truyền thụ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong” (1). Tại lớp huấn luyện chính trị đặc biệt ở Quảng Châu, Trần Phú đã say mê học tập và tỏ rõ năng khiếu tư duy lý luận của mình. Anh đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cử đi đào tạo lý luận tại Trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông. Mặc dầu đối với khóa học, anh đến muộn gần 1 năm, nhưng Trần Phú đã xin vào năm thứ 2 và anh đã tốt nghiệp loại xuất sắc, được đánh giá cao về khả năng học tập và trình độ tư duy lý luận.

Khách sạn Việt Nam Lâu (Hải Phòng), nơi đồng chí Trần Phú cùng đoàn cán bộ Hội Hưng Nam dừng chân từ ngày 15 đến 17/7/1926, trên đường ra nước ngoài. Ảnh tư liệu
Khách sạn Việt Nam Lâu (Hải Phòng), nơi đồng chí Trần Phú cùng đoàn cán bộ Hội Hưng Nam dừng chân từ ngày 15 đến 17/7/1926, trên đường ra nước ngoài. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1930, Trần Phú về nước, được giao chuẩn bị dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Sau một thời gian đi thực tế và cùng trao đổi với tập thể những cán bộ chủ chốt của Đảng lúc bấy giờ, Trần Phú bắt tay vào dự thảo văn kiện quan trọng này. Trên cơ sở phân tích đặc điểm và những mâu thuẫn KT-XH ở Đông Dương, Luận cương chỉ ra tính chất cách mạng Đông Dương lúc đầu là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, bỏ qua thời kỳ tư bản, tiến thẳng lên con đường XHCN. Như vậy, trên đường hướng cơ bản của cách mạng, Luận cương chính trị là sự tiếp tục Chính cương vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc. Luận cương cũng chỉ rõ nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Đông Dương là sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên hệ với quần chúng; biết xác định chiến lược, sách lược trên cơ sở xem xét kỹ “tình hình trong nước và ngoài thế giới, sức mạnh của địch nhân, sức tranh đấu của quần chúng, thái độ của các hạng người đối với cách mạng v.v…”.

Cùng với Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập Đảng ta soạn thảo, Luận cương chính trị tháng 10/1930 đã chỉ đạo cách mạng Việt Nam vượt qua những thử thách, khó khăn, đi tới những thắng lợi vẻ vang. Trong bài “Tưởng nhớ Trần Phú - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương” đăng trên Tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 5/1932, có đoạn viết: “Dưới sự lãnh đạo của Trần Phú, Đảng chúng tôi đã thật sự trở thành một Đảng quần chúng, đã biến đổi về tổ chức, dẫn dắt quần chúng trong cuộc đấu tranh cách mạng hiện nay… Trần Phú có những đóng góp rất to lớn trong việc bônsêvích hóa Đảng về mặt tư tưởng… đã thể hiện rõ những vấn đề có tính nguyên tắc về chiến lược và sách lược bônsêvích trong những văn bản do chính anh viết hoặc chỉ đạo viết”.

3. Nói đến Trần Phú là nói đến tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về khí phách kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Tập san tuyên truyền của Đảng nhân dịp kỷ niệm Đảng Cộng sản Đông Dương 20 tuổi (1930-1950), đã có bài viết về tấm gương của Trần Phú như sau: Khi bị bắt, giặc rạch da người, nhét bông tẩm dầu mà đốt. Tuy chúng thừa biết tên anh, nhưng tra tấn trăm lần, anh vẫn ngậm miệng, nửa lời không nói. Khi đưa ra tòa án, thấy tên quan tòa hỏi mãi, anh chép miệng: “Ông đã thiết tha muốn biết tên tôi quá như thế, thì đây: tên tôi là Trần Phú”. Sau đó, anh im bặt. Tấm gương hy sinh của anh được đánh giá là “cao cả như một vị thánh”. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh còn gửi đến đồng chí, đồng bào lời nhắn nhủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Lời bất hủ của anh sẽ còn vang vọng mãi, cổ vũ chúng ta vượt qua mọi thử thách, khó khăn trên con đường cách mạng.

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí Trần Phú là tấm gương tuyệt vời trong sáng để những người cộng sản và toàn thể nhân dân Việt Nam chúng ta học tập và noi theo. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, Đức Thọ, Tùng Ảnh lại càng phải đi đầu trong việc học tập và làm theo tấm gương Trần Phú: phải biết vận dụng tinh thần, phẩm chất, khí phách Trần Phú vào trong đời sống và công tác của mỗi người, làm cho quê hương Trần Phú thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, nhanh chóng đổi mới, tiến lên giàu đẹp, biến lý tưởng và niềm tin của đồng chí Trần Phú trở thành hiện thực. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng với vinh dự và tự hào là quê hương đã sinh ra người con ưu tú của Đảng và của dân tộc.

_______

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr. 259.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast