Bài 2: Tiếp tục thực hiện ở những nơi đủ điều kiện

(Baohatinh.vn) - Bên cạnh những ưu điểm, mô hình nhất thể hóa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cũng đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra phải giải quyết, nhất là khâu lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ đến việc xây dựng hệ thống văn bản quy định nhằm tạo sự thống nhất cao trong thực hiện.

Nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã

>>Bài 1: Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Lúng túng, không đảm đương nổi “2 vai”

Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo tại các địa phương, trong số 19 cán bộ được “chọn mặt gửi vàng” thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, nhiều người đã không đảm đương nổi “2 vai”. Ông Phạm Quang Phú - Phó trưởng phòng huyện, ngành, BTC Tỉnh ủy, cho biết: Đến cuối năm 2013, vì nhiều lý do, 8 xã phải báo cáo cấp trên xin dừng thí điểm khi chưa hết nhiệm kỳ; nhiều xã còn lại có khả năng bí thư - chủ tịch cũng không đảm đương hết nhiệm kỳ.

Cán bộ đủ tâm và tầm - yếu tố then chốt tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi trển khai thực hiện các chủ trương, chính sách
Cán bộ đủ tâm và tầm - yếu tố then chốt tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi trển khai thực hiện các chủ trương, chính sách

Thạch Hưng là đơn vị duy nhất của TP Hà Tĩnh được lựa chọn nhân sự làm thí điểm bí thư - chủ tịch từ năm 2009. Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015, đồng chí bí thư được tín nhiệm bầu giữ cả 2 chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch. Tuy nhiên, sau 3 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đồng chí bí thư - chủ tịch, tình hình KT-XH của Thạch Hưng vẫn nằm trong nhóm kém phát triển của thành phố. Đặc biệt, tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài nhưng người đứng đầu không xử lý được; nội bộ mất đoàn kết; Đảng bộ nhiều năm liền xếp loại yếu kém. Trước tình hình đó, cuối năm 2013, Thạch Hưng phải báo cáo cấp trên xin dừng thí điểm và bổ sung thêm 1 đồng chí chủ tịch. Tương tự, xã Mai Phụ (Lộc Hà) mặc dù đến nay chưa dừng thí điểm nhưng vai trò lãnh đạo, điều hành của đồng chí bí thư - chủ tịch rất mờ nhạt, tín nhiệm thấp, thậm chí vi phạm chính sách. Địa phương liên tục xẩy ra khiếu kiện kéo dài, công tác điều hành, chỉ đạo thiếu sâu sát, không chắc, không hiệu quả, không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.

Theo ông Nguyễn Hà Lương - Trưởng BTC Thành ủy Hà Tĩnh, mô hình bí thư - chủ tịch ở Thạch Hưng không thành công do người đứng đầu còn lúng túng, chưa phân định rõ khi nào ở “vai bí thư” với tư cách là người đứng đầu cấp ủy giải quyết công việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; khi nào ở “vai chủ tịch” UBND với tư cách người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Huyện Kỳ Anh có 4 xã thực hiện thí điểm mô hình bí thư - chủ tịch gồm: Kỳ Thượng, Kỳ Tân, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, nhưng đến nay, vì nhiều lý do, 4 xã này cũng đã phải tách. Hương Khê có 3 đơn vị gồm: thị trấn Hương Khê, xã Hương Vĩnh và Hương Lâm thực hiện thí điểm từ năm 2009. Qua quá trình thực hiện, đến nay, cả 3 địa phương cũng đã phải xin dừng thí điểm trước thời hạn.

Chỉ thực hiện được đối với những nơi có đủ điều kiện

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp gỡ, lấy ý kiến từ nhiều cán bộ chủ chốt cấp xã, huyện và tỉnh xung quanh việc thực hiện mô hình nhất thể hóa bí thư - chủ tịch. Các ý kiến đều cho rằng, đây là mô hình ưu việt nhưng khó nhân rộng, bởi để thực hiện thành công phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng điều quan trọng nhất là yếu tố cán bộ. Cán bộ phải đủ tâm và tầm. Thực tế tại một số địa phương đã làm thí điểm, khi đồng chí bí thư - chủ tịch nghỉ hưu hoặc điều động lên vị trí khác cũng không tìm được cán bộ thay thế đảm đương được cả “2 vai”, đành phải tách.

Ông Phạm Quang Phú - Phó trưởng phòng huyện, ngành, BTC Tỉnh ủy, cho rằng, một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm nhất thể hóa là do chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng, HĐND, UBND cấp xã hiện nay được quy định khá rộng, chưa phù hợp với thực tế và khả năng tổ chức thực hiện, công tác cải cách hành chính còn nhiều hạn chế. Vì vậy, dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, điều hành công việc.

Ngay khi bắt đầu triển khai thí điểm, nhiều ý kiến cho rằng, khi đã có đầy đủ quyền lực nhà nước và quyền lực của Đảng trong tay, người đứng đầu cấp xã có “nguy cơ” trở thành “ông vua” vì được trao quyền lực quá lớn và rất khó kiểm soát. Gia tăng áp lực công việc lên người đứng đầu UBND vì đồng thời phải vừa giải quyết công việc của cả cấp ủy và ủy ban nên đã hạn chế hiệu quả giải quyết công việc của UBND. Chưa thực hiện được việc giám sát và kiểm soát quyền lực khi thực hiện thí điểm. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn thấp, chưa động viên, khuyến khích được cán bộ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng cho rằng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là việc hết sức quan trọng, phức tạp, chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Trong quá trình thực hiện mô hình thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã tại một số địa phương trong tỉnh đã cho thấy tính ưu việt cũng như một số hạn chế, bất cập. Vì vậy, nhiệm kỳ tới, chúng ta vẫn có thể thực hiện mô hình này đối với những nơi có đủ điều kiện, nhưng chưa có chủ trương nhân rộng. Trong Kết luận 64, ngày 28/5/2013, Hội nghị BCH T.Ư 7 khóa XI về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở cũng đã nói rõ về vấn đề này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast