Bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền và an toàn hệ thống ngân hàng

(Baohatinh.vn) - Tham gia thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) vào sáng nay (26/10) tại hội trường, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng, luật cần đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền...

bao dam quyen loi cho nguoi gui tien va an toan he thong ngan hang

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại hội trường

Đại biểu cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh; bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD.

Tuy nhiên, dự thảo luật mục 1, điểm e có quy định phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Theo đại biểu, hoạt động của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng lớn vào tâm lý khách hàng, có sự lan tỏa và hiệu ứng dây chuyền lớn. Vì vậy, cần đặt kiểm soát đặc biệt khi ngân hàng gặp khó khăn, kèm theo đó có hình thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo hướng phục hồi hoặc chuyển giao, tránh phá sản.

Việc phá sản ngân hàng thương mại sẽ gây tiềm ẩn các nguy cơ: (1) người gửi tiền cá nhân sẽ rút tiền ồ ạt tại nhiều TCTD, điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền của của cả hệ thống; (2) người gửi tiền có thể tụ tập, khiếu kiện đông người gây mất trật tự, an toàn xã hội. Hoặc nếu phá sản tổ chức tín dụng là bắt buộc phải thực hiện thì dự thảo luật cũng cần có quy định cụ thể hơn về các phương án phá sản tại các TCTD ngoài các quy định tại mục 1e nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền và an toàn của hệ thống ngân hàng.

Theo báo cáo về số liệu nợ xấu tại Kì họp thứ 3, đối với toàn bộ nền kinh tế thì cùng với dự thảo luật này được thông qua, dự báo sẽ có nhiều tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Vì vậy, cần quy định cụ thể về trách nhiệm đối với những người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; các phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng cần được kiểm soát đặc biệt…

Luật sửa đổi, bổ sung cũng cần phải được làm rõ như: quyền lợi của người gửi tiền trong các trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt, trách nhiệm của các bên liên quan trong giai đoạn trước và sau cơ cấu lại; tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc.

Quy định thẩm quyền xử lý trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt giao Chính phủ là không phù hợp. Đề nghị nên tập trung ở Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, vì nếu giao cho cả Chính phủ thì quyết định đó có thể bị kéo dài phức tạp và sẽ không kịp xử lý để các TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Ngoài các điều kiện được quy định tại Điều 148d, đề nghị nghị bổ sung thêm một số tiêu chí về chỉ tiêu chất lượng tín dụng. Hiện tại, việc quy định mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đang đặt ra những bất cập, mới chỉ chi trả 75 triệu đồng/người gửi, trong khi đó, thực tiễn một người có thể có nhiều sổ gửi tiết kiệm với số tiền hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng. Vì vậy, việc quy định về bảo hiểm tiền gửi không có ý nghĩa về mặt thực tiễn, do đó, cần có sự xem xét quy định lại vấn đề này phù hợp với bản chất là bảo đảm an toàn cho người tham gia gửi tiền.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast