Bình Định khơi dậy hào khí Quang Trung

(Baohatinh.vn) - Nhắc tới Bình Định, tôi lại nhớ tới bài thơ “Quê em ở Tam Quan” đã thuộc từ bé: Em sinh ở Tam Quan/ Giữa miền Nam ruột thịt/ Quê em dù xa tít/ Em vẫn nhớ vẫn thương/ Nằm sát ở bên đường/ Rừng dừa ngủ dưới nắng/... Em nhớ trái dừa tròn/ Của quê em Bình Định/ Xòe bàn tay em tính/ Ngày trở lại vườn dừa. Bài thơ nói về nỗi nhớ quê của em bé Bình Định ra Bắc tập kết mong ngày thống nhất trở về quê dừa. Đó cũng là khát khao chung của người dân Bình Định những năm tháng ấy.

Hào khí Quang Trung thời đánh Mỹ

Từ xa xưa, mảnh đất này đã nổi danh với tên tuổi của người anh hùng áo vải Tây Sơn đưa quân ra Thăng Long đại phá quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789, làm nên trận Ngọc Hồi - Đống Đa, khiến kẻ địch “phiến giáp bất hoàn” (không còn giáp để trở về). Đất võ đã hun đúc nên khí chất can trường của những người con trai, con gái trong suốt chiều dài lịch sử. Và Bình Định đã mang cái khí chất vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần làm nên ngày chiến thắng 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng bộ và quân dân Bình Định đã kiên cường bám trụ giành từng tấc đất, từng bước đánh lui các trận càn của Mỹ - ngụy.

Bình Định khơi dậy hào khí Quang Trung ảnh 1

Tượng đài Chiến thắng TP. Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh internet

Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân và dân huyện Tây Sơn đã mở màn bằng trận đánh cắt đứt đường 19, bao vây, chiếm giữ, tiêu diệt địch để hỗ trợ chiến trường Tây Nguyên, đồng thời, tiến tới giải phóng hoàn toàn huyện nhà. Qua 15 ngày đêm, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Bình Định, các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, thị xã Quy Nhơn... cũng đã nhất tề đứng lên chớp lấy thời cơ, tổng công kích trên toàn tỉnh với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện”.

Từ đêm 17 - 31/3/1975, toàn tỉnh đã tiêu diệt gọn 47 chốt điểm, 2 chi khu quân sự, 1 hậu cứ Sư đoàn 22 ngụy, 6 trận địa pháo, 51 cứ điểm, 4 đại đội bảo an, 4 đại đội thám kích, 63 trung đội nghĩa quân, 2 trung đội cảnh sát và toàn bộ thanh niên chiến đấu, phòng vệ quân sự ngụy; đập tan bộ máy ngụy quân, ngụy quyền. Đúng 8h trưa 31/3/1975, Bình Định hoàn toàn giải phóng.

“Giữ trọn niềm tin với Bình Định ruột rà”

Đó là một câu trong bài hát “Hà Tĩnh trên đường chiến thắng” của tác giả Thái Quý. Nói đến sức mạnh tinh thần mang lại chiến thắng cho quân dân Bình Định, không thể không nói đến phong trào kết nghĩa Bình - Hà. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Thống nhất Trung ương về phong trào kết nghĩa Nam Bắc, năm 1960, tỉnh Hà Tĩnh kết nghĩa với tỉnh Bình Định. Theo đó, 8 huyện, thị trong tỉnh cũng tổ chức kết nghĩa với 8 huyện, thị của Bình Định. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Từ đây, mảnh đất xa xôi, “Bình Định ruột rà thương nhớ khôn nguôi”(*) trở nên gần gũi và thân thương với cán bộ, đảng viên trên mảnh đất Hà Tĩnh anh hùng và văn hóa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều phong trào thi đua đánh giặc, lao động sản xuất của Hà Tĩnh đã dấy lên sôi nổi hướng về quê hương Bình Định như: “Phát huy chiến thắng 26/3, Bình Hà quyết thắng”, chiến dịch thủy lợi Bồng Sơn, phong trào thi đua trở thành “Dũng sỹ Bồng Sơn”… Đặc biệt, cái tên Bình Hà ghép từ tên 2 tỉnh đã thành tên của công trình thủy lợi lớn ở Can Lộc, Tiểu đoàn 8 Pháo cao xạ bộ đội địa phương và nhiều công trình khác.

Bình Định ngày mới

40 năm sau ngày giải phóng, Bình Định đã vươn dậy với sức mạnh thần tốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Mặc dầu gặp bao khó khăn, trở ngại do hậu quả của chiến tranh, nhưng toàn Đảng, toàn dân đã đoàn kết một lòng, quyết tâm nỗ lực vươn lên, nhất là trong thời kỳ đổi mới của đất nước và đã đạt được những thành tựu rực rỡ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. 10 năm gần đây, kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng 9%/năm; tổng sản phẩm địa phương năm 2014 đạt gấp 2,5 lần so với năm 2005.

Bình Định khơi dậy hào khí Quang Trung ảnh 2

TP. Quy Nhơn nhìn từ trên cao. (Ảnh: internet)

Cơ cấu kinh tế theo hướng toàn diện, trong đó, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng toàn diện với năng suất, sản lượng cao; công nghiệp đang khẳng định được vai trò của mình, dịch vụ ngày càng khởi sắc. Tỉnh đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa và chỉnh trang đô thị. Thành phố Quy Nhơn là đô thị loại 1, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Khu kinh tế Nhơn Hội thu hút nhiều nhà đầu tư, mở ra nhiều cơ hội phát triển. Bình Định đã được đưa vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là trung tâm phát triển phía Nam của vùng. Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, vừa qua, Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã được đón nhận phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh vì những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng.

Đất võ Tây Sơn, quê dừa Tam Quan, Ghềnh Ráng thơ mộng, Quy Nhơn hiện đại và êm đềm đang hòa chung bản anh hùng ca của lịch sử và thời đại, làm nức lòng người dân Bình Định và cả người anh em kết nghĩa Hà Tĩnh nơi khúc ruột miền Trung thân thương.

-------------------

(*) Thơ Duy Thảo

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast