Bộ trưởng Nội vụ và Tài chính trả lời chất vấn

Hôm nay (17/11), nhiều thành viên Chính phủ tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn, trong đó có Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Do hoạt động chất vấn của kỳ họp thứ 10 không chốt nhóm vấn đề cũng như thành viên chính phủ trả lời chất vấn, nên trong ngày chất vấn đầu tiên diễn ra vào hôm qua (16/11), đã có 7 Bộ trưởng và trưởng ngành đăng đàn trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội; ngoài ra nhiều câu hỏi dành cho Thủ tướng và Phó Thủ tướng sẽ được trả lời trong hôm nay và sáng mai (18/11).

Theo nội dung câu hỏi được các đại biểu đặt ra, hôm nay nhiều thành viên Chính phủ khác cũng sẽ đăng đàn, trong đó có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

“Cấp hàm” hay biên chế, đánh giá cán bộ công chức, viên chức... là vấn đề cần được Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình làm rõ. Còn với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là vấn đề cân đối ngân sách, cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, thuế...

Những vấn đề chung sẽ được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời.

Bộ trưởng Nội vụ và Tài chính trả lời chất vấn ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn

Trong ngày đầu tiên diễn ra phiên chất vấn, nhiều nội dung sau khi Tư lệnh ngành trả lời, đại biểu đã ấn nút trao đổi lại hoặc yêu cầu làm rõ hơn. Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho biết nhiều nội dung trả lời chưa thật sự thoả đáng, chưa khiến cử tri thật sự yên tâm.

Nhiều câu hỏi và câu trả lời còn chưa đi thẳng vào vấn đề, tốn nhiều thời gian cũng là điểm nhận thấy trong ngày đầu tiến hành chất vấn.

Những Tư lệnh ngành nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Tiếp đó là Bộ trưởng các Bộ: Y tế, LĐ-TB-XH và Nội vụ.

Nội dung chất vấn được các đại biểu đặt ra đối với những người đứng đầu các ngành vẫn xoay quanh những đòi hỏi từ thực tế lâu nay, thậm chí có vấn đề bức xúc và nhiều vấn đề được đề cập trong rất nhiều phiên chất vấn ở các kỳ họp.

Về nông nghiệp, câu chuyện người nông dân gặp khó, được mùa mất giá, phân bón giả, thuốc từ sâu kém chất lượng, đầu ra của mặt hàng nông sản... vẫn tiếp tục được đề cập. Bởi, ngành nông nghiệp Việt Nam vốn đã khó khăn lại đang đứng trước những thách thức mới nhưng chưa có những giải pháp mang tính đột phá.

Nhiều ý kiến đại biểu mong rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương có các giải pháp sắp tới, làm thế nào để ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục sản xuất, đừng để ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, khó đầu tư, hàng hóa xuất thô, xuất bán thành phẩm, mùa nào loại ấy mà chưa có công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản.

Đặc biệt phân bón vật tư nông nghiệp làm giả tràn lan, sử dụng chất cấm thì vô tội vạ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, phương tiện kiểm định thì thiếu thốn, thô sơ, các biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn...

Vấn đề trồng rừng thay thế tại các dự án thuỷ điện cũng là vấn đề cử tri bức xúc được các đại biểu phản ánh tới nghị trường.

Với ngành Giáo dục, nhiều câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nổi lên là vấn đề kỳ thi THPT quốc gia vừa qua khiến dư luận chưa an tâm. Tuy Bộ trưởng nói giảm áp lực cho thí sinh và gia đình, giảm chi phí, giảm tốn kém, nhưng theo đại biểu Quốc hội, từ những gì báo chí phản ánh vừa qua, “ưu điểm” nói trên chưa có cơ sở khẳng định.

Trong vấn đề đổi mới giáo dục, có đại biểu cũng đặt vấn đề một cách mạnh mẽ liên quan đến đề án tích hợp môn Lịch sử, đưa vào bản dịch “Nam quốc sơn hà” mới. Thậm chí có đại biểu hỏi thẳng: Bộ trưởng có dám chịu trách nhiệm về những hậu quả sau này khi tích hợp môn Lịch sử?.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast