Bóng Người ở Xiềng Vang

(Baohatinh.vn) - Đứng trước Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiềng Vang, giữa mây trời bao la và bên dòng Mê Kông hiền hòa, chúng tôi lặng người khi nhớ về một thuở Bác Hồ kính yêu đã đặt chân đến mảnh đất này gieo mầm cách mạng. Ai nấy đều rưng rưng xúc động như thấy bóng Người đang hiển hiện nơi đây...

Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014)

Nơi đây in dấu chân Người

Chuyến công tác đầu năm tại tỉnh Khăm Muộn (nước CHDCND Lào) mặc dù thời gian rất hạn hẹp, lịch làm việc dày đặc nhưng đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh vẫn được phía bạn bố trí đến thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiềng Vang, huyện Noọng Bốc. Theo Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn Khăm-bay Đăm-lắt, đây là “địa chỉ đỏ” mà bất cứ đoàn khách quý nào đến thăm cũng được địa phương đưa đi tham quan, giới thiệu.

Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Hà Tĩnh do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự dẫn đầu đã đến dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiềng Vang, huyện Noọng Bốc
Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Hà Tĩnh do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự dẫn đầu đã đến dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiềng Vang, huyện Noọng Bốc

Từ thị xã Thà Khẹc (tỉnh lỵ của Khăm Muộn), đoàn xe lướt êm trên con đường nhựa phẳng lỳ, 2 bên đường là những nếp nhà sàn của nhân dân các bộ tộc Lào nằm yên giữa rừng cây. Sau 30 phút, đoàn chúng tôi đã có mặt tại bản Xiềng Vang và được bà con dân bản đón chào bằng những nụ cười, ánh mắt thân thiện.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc trên khu đất đẹp, rộng khoảng 1,6 ha nhìn ra dòng Mê Kông đêm ngày cuộn chảy. Bên kia sông là tỉnh Na-khon Pha-nôm thuộc vùng Đông bắc Thái Lan, cũng là nơi Thầu Chín (bí danh của Bác Hồ) hoạt động. Theo các nghiên cứu, vào khoảng tháng 7/1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật đến một số cơ sở ở Thái Lan, trong đó có bản Mạy, tỉnh Na-khon Pha-nôm để tuyên truyền, huấn luyện và xây dựng lực lượng cách mạng.

Trong thời gian khoảng 16 tháng hoạt động tại Thái Lan, Bác Hồ đã nhiều lần đi thuyền từ bản Mạy qua sông Mê Kông sang tỉnh Khăm Muộn, Lào. Cuốn “Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào” đã khẳng định: “Khoảng cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cải trang là thợ mộc từ Xiêm (Thái Lan - PV) đi vào đất Lào qua thị xã Pắc Xế đi lên Sa-van-na-khẹt tới Xiềng Vang, phía Nam thị xã Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn để nắm tình hình và đời sống của nhân dân, sau đó quay trở lại đất Xiêm”.

Đến bản Xiềng Vang, huyện Noọng Bốc, Bác đã gặp gỡ bà con người Lào và người Việt sinh sống ở đây. Người khuyên bà con phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Lào và Việt Nam. Người cũng phổ biến kinh nghiệm cho bà con về việc tổ chức các đoàn thể yêu nước và đoàn thể cách mạng tại Lào.

May Đa Đôn hướng dẫn đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Hà Tĩnh tham quan Khu lưu niệm

May Đa Đôn hướng dẫn đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Hà Tĩnh tham quan Khu lưu niệm

Bên cạnh việc khảo sát, xây dựng cơ sở cách mạng, Nguyễn Ái Quốc còn tìm đường để về Việt Nam nhưng không thể, vì hàng rào mật thám ở biên giới Việt Nam - Lào quá chặt, trong lúc thực dân Pháp ở Vinh (Nghệ An) ra bản án tử hình với Người. Không về nước được, Người tới Hồng Kông (Trung Quốc) để thống nhất 3 tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình cách mạng của Việt Nam. Cùng với đó, những cán bộ ở Lào từng được Nguyễn Ái Quốc đào tạo và những cán bộ giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin do Người truyền bá đã lãnh đạo phong trào đấu tranh trên nhiều tỉnh, thành phố của nước Lào…

Biểu tượng tình đoàn kết Việt - Lào

Chị May Đa Đôn - hướng dẫn viên của Khu lưu niệm cho biết, vào đúng dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2012), Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiềng Vang được khánh thành và chính thức mở cửa đón khách tham quan. Toàn bộ diện tích 1,6 ha nơi đây là của hàng chục hộ dân địa phương, cả người Lào và người Việt tự nguyện hiến cho công trình mà không yêu cầu bất cứ sự bồi thường, hỗ trợ nào. Công trình được xây dựng thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào, bày tỏ sự biết ơn và ghi nhận những cống hiến to lớn của Người đã khai sáng và dày công vun đắp cho quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào thủy chung, trong sáng với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng.

Ao cá tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiềng Vang, huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn

Ao cá tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiềng Vang, huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn

Khu lưu niệm có nhiều hạng mục như: nhà trưng bày, nhà đón khách, nơi tưởng niệm và dâng hương… Nhà trưng bày gồm 4 phần: một số hình ảnh về văn hóa Lào - Việt Nam; những nét chính trong tiểu sử sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; người xây dựng và phát triển tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam; Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục xây đắp mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Khu lưu niệm còn có vườn hoa, cây cảnh, đặc biệt là ao cá Bác Hồ. “Trước ngày khánh thành, người dân Lào và bà con Việt kiều tổ chức rước cá từ chính ao cá Bác Hồ ở thủ đô Hà Nội về đây. Từ khi khánh thành đến nay, hàng ngày có rất nhiều đoàn khách địa phương và Việt Nam đến tham quan” - May Đa Đôn cho biết thêm.

Cùng làm hướng dẫn viên tại khu lưu niệm với May Đa Đôn còn có Mếch Sa Vanh. Cả hai còn trẻ và nói tiếng Việt rất sõi. Mếch Sa Vanh tâm sự: “Em sinh ra và lớn lên ở thị xã Thà Khẹc, từ nhỏ đã nghe nhiều câu chuyện về Bác Hồ và mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt. Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, được về đây công tác là vinh dự lớn đối với em. Mỗi lần đón khách và được giới thiệu về Bác Hồ, em đều xúc động, tự hào. Những lúc rảnh, em đọc lại những dòng ghi cảm tưởng của các đoàn đến thăm và cảm nhận được tình cảm, sự tôn kính của cán bộ, nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân các bộ tộc Lào dành cho Bác Hồ lớn lao biết chừng nào”.

Chúng tôi kính cẩn thắp nén hương tưởng nhớ Bác và cảm thấy ấm lòng khi trên bàn thờ Bác luôn có hoa thơm, quả ngọt, thể hiện tấm lòng tôn kính của bà con Việt kiều, của nhân dân các bộ tộc Lào và bè bạn xa gần, đối với Bác Hồ yêu quý của chúng ta.

Như rễ chung cây, xiết chặt tay, chúng ta hướng về tương lai/ Việt - Lào anh em, vai sát vai tiến lên xây dựng ngày mai.

Tạm biệt Xiềng Vang, lời bài hát “Bài ca Việt - Lào” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương còn mãi ngân vang.

Xiềng Vang, tháng 3/2014

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast