Các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục thảo luận một số vấn đề quan trọng

Tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 18, ngày 8/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN dự phiên họp hẹp thảo luận một số vấn đề quan trọng.

Tại phiên họp về quan hệ đối ngoại của ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đều nhất trí cho rằng, quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) có ý nghĩa hết sức quan trọng, đưa tiến trình Cấp cao Đông Á sang giai đoạn phát triển mới, là một bộ phận khăng khít của cấu trúc khu vực và sẽ đóng góp tích cực cho việc đảm bảo và thúc đẩy hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực.

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Cấp cao Đông Á, các nhà lãnh đạo ASEAN nêu rõ, để duy trì và bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN, cần khẳng định lại những mục tiêu, nguyên tắc, thể thức và ưu tiên của Cấp cao Đông Á đã được ghi trong hai văn kiện nền tảng là Tuyên bố Kuala Lumpur về Cấp cao Đông Á năm 2005 và Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 5 năm thành lập Cấp cao Đông Á năm 2010. Đồng thời cần thể hiện vai trò chủ đạo của ASEAN thông qua việc xây dựng chương trình nghị sự và xác định các ưu tiên đối với cơ chế Cấp cao Đông Á mở rộng.

Các nhà lãnh đạo ASEAN dự họp
Các nhà lãnh đạo ASEAN dự họp

Đề cập về chủ đề Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, các nhà lãnh đạo ASEAN đề cho rằng, ASEAN cần và có thể tham gia tích cực và chủ động hơn cho các công việc chung của khu vực và thế giới. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo hoan nghênh chủ đề ASEAN năm nay là Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu.

Trong việc thực hiện những mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực, dành ưu tiên và nguồn lực cao nhất cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng cũng như cho các vấn đề ưu tiên của khu vực, mở rộng quan hệ đối tác và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Đây chính là cơ sở và nội lực để ASEAN có thể phát huy vai trò của mình trên trường quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị, ASEAN cần tích cực tham khảo, chia sẻ thông tin và phối hợp lập trường trên những vấn đề mà các nước ASEAN có cùng quan tâm, có thể chia sẻ kinh nghiệm của khu vực với thế giới, trên cơ sở đồng thuận. Tăng cường hơn nữa hiệu quả của các cơ chế phối hợp hiện có, nhất là cơ chế các Ủy ban ASEAN tại các trụ sở của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cũng như ở nước thứ ba, để có thể phát huy tiếng nói và phản ánh lập trường chung của ASEAN tại các diễn đàn này.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đều nhất trí rằng hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước. Các tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Để bảo đảm các mục tiêu trên, tất cả các bên cần phải nghiêm chỉnh tôn trọng và thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện và đầy đủ.

Tại Hội nghị này, Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh thêm một số điểm quan trọng về thực hiện DOC. Đó là DOC là văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, được ký kết giữa một bên là ASEAN và một bên là Trung Quốc, thể hiện cam kết chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác xây dựng lòng tin ở Biển Đông. Do đó, ASEAN cần phối hợp chặt chẽ và tiếp tục đẩy mạnh đối thoại với TQ để thực hiện hiệu quả DOC. Việc thực hiện tốt DOC có ý nghĩa quyết định đối với hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Do đó, cần bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải, tạo môi trường thuận lợi và bảo đảm các quy tắc ứng xử của DOC về việc các bên liên quan giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, không làm gì phức tạp thêm tình hình.

ASEAN cần tăng cường đoàn kết, phối hợp tiếng nói chung, đi đôi với nỗ lực thúc đẩy hơn nữa đối thoại và hợp tác với Trung Quốc nhằm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC trên tinh thần xây dựng, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Đặc biệt, cần yêu cầu sớm nối lại cơ chế Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc để thúc đẩy việc triển khai DOC, cũng như việc sớm hoàn tất các Quy tắc hướng dẫn về thực hiện DOC. ASEAN cần ủng hộ mạnh mẽ về việc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để có thể hoàn thành trong năm 2012, nhân 10 năm DOC, nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.

Về các vấn đề liên quan tới Biển Đông, điều quan trọng là ASEAN cần có tiếng nói chung và nhất quán để thể hiện được vai trò chủ đạo và xây dựng của mình vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực phối hợp và kết quả của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Lombok và Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN ở Yogyakarta vừa qua về vấn đề này.

Về tình hình quan hệ Campuchia - Thái Lan, Việt Nam cũng như ASEAN rất quan tâm tới tiến trình giải quyết tranh chấp ở khu vực biên giới Campuchia và Thái Lan và luôn mong muốn hai nước giải quyết các khác biệt bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần láng giềng hữu nghị và cộng đồng ASEAN.

Việt Nam hoan nghênh việc hai bên thực hiện ngừng bắn, hoan nghênh hai bên cùng thương lượng để không tái diễn xung đột, bảo đảm giải quyết các khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, Hiến chương ASEAN và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích của hai nước nói riêng và của cả cộng đồng ASEAN nói chung.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đề cập một số vấn đề như tình hình Myanmar và việc nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2014; về đề xuất thành lập Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN; về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN...

Chiều cùng ngày, các nhà lãnh đạo ASEAN dự lễ bế mạc, kết thúc thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18 tại Jakarta, Indonesia.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast