Cải cách thủ tục hành chính góp phần xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh

Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là có ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần tích cực xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, đáp ứng lòng tin yêu của người dân, doanh nghiệp.

Đề án 30: Bước đột phá trong tiến trình CCTTHC

Sau 3 năm triển khai (2007 - 2010), quá trình đơn giản hóa TTHC thông qua Đề án 30 (Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý hành chính giai đoạn 2007 – 2010) đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, góp phần hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 30
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 30

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Tổ phó Tổ công tác chuyên trách CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian qua, Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tập huấn trên 20.000 lượt cán bộ, công chức về cách thức thống kê, rà soát TTHC. Cùng đó, Hội đồng Tư vấn CCTTHC đã được thành lập nhằm tư vấn và hỗ trợ Tổ công tác thực hiện một cách có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu CCTTHC đã đặt ra.

Lần đầu tiên sau 64 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam, chúng ta đã tập hợp, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC áp dụng tại bốn cấp chính quyền với hơn 5.400 TTHC, trên 9.000 văn bản quy định; đồng thời chuẩn hóa thu gọn từ 10.000 bộ TT cấp xã, 700 bộ TTHC cấp huyện xuống còn 63 bộ TTHC cấp xã và 63 bộ TTHC cấp huyện để thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việt Nam được coi là hình mẫu về CCHC

Thành công đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối năm 2010, thông qua hoạt động cải cách Việt Nam được xếp vào nhóm 10 nền kinh tế có nhiều sự cải thiện môi trường kinh doanh nhất và tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng các nền kinh tế.

Đánh giá về Đề án 30 của Việt Nam, Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) cũng cho rằng “Rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện được chương trình CCHC có quy mô như Đề án 30. Chương trình CCHC của Việt Nam có thể được coi là một mô hình mẫu cho các quốc gia khác có mức thu nhập bình quân đầu người tương tự tham khảo”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án 30 thông qua việc ban hành 25 Nghị quyết đơn giản hóa gần 5.000 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành làm cơ sở để làm cơ sở thực thi phương án đơn giản hóa các TTHC này.

Sau khi các phương án đơn giản hóa này được thực thi trên thực tế dự kiến sẽ cắt giảm trên 37% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và DN, ước đạt gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

CCTTHC không chỉ có ý nghĩa kinh tế

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng biểu dương và hoan nghênh Tổ công tác chuyên trách CCTTHC, Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà tư vấn, chuyên gia, người dân và doanh nghiệp (DN)… đã chung tay vì sự nghiệp CCCH, làm nên một bước thành công quan trọng.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết hoạt động của Tổ công tác chuyên trách CCTTHC
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết hoạt động của Tổ công tác chuyên trách CCTTHC

Đánh giá về thành công này, Phó Thủ tướng cho rằng, cải cách TTHC là tư duy đúng, một khâu đột phá đúng để xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, chống nạn tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy hành chính.

Thành công này chính là nhờ chúng ta đã sử dụng hệ thống tư vấn nhiều chiều, giám sát trực tiếp từ trong nước, ngoài nước, từ các hiệp hội DN, Liên đoàn Luật sư… Đi theo đó là sự kiểm soát, đòi hỏi TTHC phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Cách làm này là một bài học quý giá.

Phó Thủ tướng cho rằng, thể chế thay đổi hàng ngày, TTHC mới lại được đặt ra, chồng lên TTHC cũ. Vì vậy quá trình hoàn thiện bộ thể chế gắn liền với quá trình bổ sung, sửa đổi TTHC cũ. "Nếu chúng ta không tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được, không tiếp tục triển khai tốt CCTTHC thì thành quả 3 năm vừa qua là vô nghĩa", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng khẳng định, công cuộc CCHC tiếp tục được tập trung thực hiện trong 5 năm, 10 năm tới, thậm chí là lâu dài hơn. Do đó, cần phải nhận thức rõ và rút ra bài học kinh nghiệm từ 3 năm hoạt động của Tổ công tác chuyên trách và Hội đồng Tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ, thấy được vai trò và sự cần thiết của nó để tiếp tục phát triển thành một cơ quan Nhà nước thực thụ là Cục Kiểm soát TTHC.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “CCTTHC thực chất là cắt bỏ những quyền lực gây nên cản trở, nhũng nhiễu, làm cho bộ máy hành chính không trong sạch. Đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, là công cụ đấu tranh mang tính cách mạng, xét rộng ra không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là có ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần tích cực xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, đáp ứng lòng tin yêu của người dân, DN.”

Trước yêu cầu đó, Phó Thủ tướng đề nghị, những cán bộ làm công tác này phải vừa đổi mới tư duy, toàn tâm toàn ý, có năng lực, có sức chiến đấu mới đủ sức đảm đương, đồng thời tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà tư vấn, tổ chức trong và ngoài nước.

Ra mắt Cục Kiểm soát thủ tục hành chính

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2011 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP.

Cơ quan này sẽ giữ vai trò trung tâm kiểm soát TTHC tại các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi cả nước theo 4 nhóm tiêu chí: sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả. Ông Ngô Hải Phan, nguyên Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách TTHC của Thủ tướng Chính phủ được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC.

Giao nhiệm vụ cho Cục Kiểm soát TTHC, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trước hết, Cục cần làm tốt việc theo dõi, đôn đốc, thực thi đề án, đặc biệt là đưa các Nghị quyết của Chính phủ về CCTTHC vào cuộc sống. Thứ hai, đảm bảo chất lượng dự thảo các luật Hành chính; phát hiện và loại bỏ những TTHC mới phát sinh không cần thiết, không hợp pháp. Thứ ba, tiếp tục huy động người dân, DN tham gia để kịp thời đề xuất, thay thế TTHC không cần thiết, làm sao TTHC vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý của NN, vừa phải thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Thứ tư, đẩy mạnh việc huy động cá nhân, tổ chức tham gia kiểm soát TTHC. Cục Kiểm soát TTHC có nhiệm vụ quan trọng là lắng nghe, tiếp nhận phản ánh của người dân và DN để xem xét giải quyết. Thứ năm, tiếp tục công khai, minh bạch TTHC, duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia đồng thời cập nhật cơ sở dữ liệu mới.

Nhân hội nghị tổng kết hoạt động của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, 45 tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 81 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP vì những thành tích xuất sắc trong công tác CCTTHC.

Nguồn: chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast