Cần cập nhật, bổ sung những số liệu mới hơn về tình hình KT - XH cũng như hoạt động của các cơ quan báo chí Hà Tĩnh

Chiều 14/ 12, UBND tỉnh đã có buổi làm việc nghe báo cáo Qui hoạch phát triển báo chí Hà Tĩnh đến năm 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện chủ trì buổi làm việc, cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, KH & ĐT, Tài chính, VH – TT & DL, Nội vụ, TT & TT, Công an tỉnh, Báo Hà Tĩnh, Đài PT – TH tỉnh, Hội nhà báo, Viễn thông Hà Tĩnh, Viện chiến lược thông tin & truyền thông v.v…

Qui hoạch báo chí Hà Tĩnh đến năm 2020:

Qui hoạch phát triển báo chí tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 gồm 2 phần mở đầu và nội dung. Trong phần mở đầu ngoài việc nêu lên nguyên nhân và tính pháp lý của quy hoạch còn nêu rõ đối tượng và phạm vi quy hoạch là: Các cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh (Báo Hà Tĩnh in và điện tử, Tạp chí văn hóa Hà Tĩnh, tạp chí Hồng Lĩnh, đài PT – TH tỉnh và các huyện, công ty truyền hình cáp, truyền hình Internet) trong phạm vi địa giới hành chính tỉnh Hà Tĩnh. Nội dung bản qui hoạch cũng đề cập khá đầy đủ và chi tiết về đặc điểm tự nhiên, KT – XH tỉnh Hà Tĩnh, hiện trạng báo chí tỉnh Hà Tĩnh đồng thời dự báo phát triển báo chí và qui hoạch báo chí tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.

Qui hoạch nhằm cụ thể hóa những mục tiêu chiến lược, định hướng phát triển của Đảng về báo chí, về chiến lược phát triển thông tin Việt Nam, gắn kết phát triển báo chí trong tổng thể quy hoạch phát triển KT – XH của tỉnh. Quy hoạch cũng nhằm phát triển hoạt động báo chí của tỉnh đúng định hướng, đúng pháp luật và tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc, phục vụ đắc lực cho sự phát triển chung của tỉnh. Góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí tại địa phương, triển khai tốt các định hướng, quan điểm, mục tiêu phát triển báo chí.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần phải nhìn nhận 1 cách tổng thể, phù hợp với xu thế phát triển của tình, của đất nước cũng như thế giới để có những dự báo hợp lý
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần phải nhìn nhận 1 cách tổng thể, phù hợp với xu thế phát triển của tình, của đất nước cũng như thế giới để có những dự báo hợp lý

:

Trên cơ sở đó, bản qui hoạch bước đầu đã đưa ra những đánh giá về hiện trạng phát triển báo chí tại Hà Tĩnh (gồm chất lượng nội dung, số lượng phát hành, thời lượng phát sóng, cơ cấu hành chính…), chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của tình trạng đó; Xác định tiềm năng, lợi thế phát triển của báo chí, đưa ra dự báo du hướng phát triển báo chí tỉnh Hà Tĩnh và định hướng quy hoạch lĩnh vực báo chí Hà Tĩnh đến năm 2020 v.v…

Ý kiến đóng góp của các đại biểu cho bản qui hoạch chủ yếu tập trung vào một số nội dung như: Bản quy hoạch cần cập nhật thông tin mới hơn về tình hình KT – CT và văn hóa xã hội của tỉnh cũng như quá trình hoạt động của một số tờ báo của địa phương, cần xóa bỏ qui hoạch về xây dựng chương trình tiếng dân tộc vì ở Hà Tĩnh dân tộc thiểu số không nhiều, cần có những dự toán kinh phí phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh, không nên qui hoạch phát triển lên tới 30 văn phòng đại diện các báo tại Hà Tĩnh…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện đã đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần phải nhìn nhận 1 cách tổng thể, phù hợp với xu thế phát triển của tình, của đất nước cũng như thế giới để có những dự báo hợp lý. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải sửa đổi một số vấn đề như: thêm tầm nhìn dài hơn mốc 2020, sửa lại một số nội dung như các đại biểu đã trao đổi, cập nhật lại và bổ sung số liệu về tình hình KT – CT, văn hóa xã hội, vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, du lịch của Hà Tĩnh, về số liệu phát hành, diện phủ sóng, chất lượng của các tờ báo, tạp chí và đài PT – TH; Đặt lại cơ cấu các nhóm kinh tế; Thêm nội dung vào mục chức năng của báo chí; Đặt lại vấn đề có nên tăng dung lượng hay số lượng phát hành của báo in Hà Tĩnh hay không, dự kiến đến thời điểm nào thì nên tách riêng tờ báo Hà Tĩnh in và Báo Hà Tĩnh điện tử, một số tờ khác có cần thiết có ấn phẩm phụ hoặc trang điện tử kèm theo hay không. Về truyền hình, cần xem xét lại mục tiêu đến năm 2020 diện phát sóng đạt 98% có phù hợp không, lộ trình thêm kênh sẽ như thế nào, cập nhật thêm số liệu về truyền dẫn phát sóng từ VNPT. Soát xét lại phạm vi phát hành, nội dung, chất lượng của các bản tin, tờ nào được phép phát hành định kỳ, tờ nào không, khuyến khích sự phát triển của các tạp chí, chuyên mục, chuyên đề về lao động việc làm, nông nghiệp nông thôn…

Về sự phát triển của các văn phòng báo chí đại diện: Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu qui hoạch phải nêu rõ chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho các tờ báo uy tín, có lượng phát hành cao tại tỉnh đồng thời không khuyến khích phát triển thêm các văn phòng đại diện, nhất là đối với những tờ báo có lượng phát hành thấp, uy tín không cao hoặc nếu có thì phải có qui định rõ ràng, chặt chẽ đối với hoạt động của những văn phòng này v.v…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast