Cần quy định minh oan cho người chết khi đang bị tạm giam, tạm giữ

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền đề nghị luật cần quy định cơ chế minh oan cho người bị chết do bệnh, tự sát trong thời gian đang bị tạm giam, tạm giữ.

Thảo luận về dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam sáng nay (9/11), Đại biểu Lê Minh Hiền- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam bị đánh chết hoặc tự sát trong nhà tạm giữ, tạm giam. Điều này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cần quy định minh oan cho người chết khi đang bị tạm giam, tạm giữ ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền

Tháng 6/2015, qua kết quả giám sát oan sai, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự, yêu cầu Bộ Công an không để xảy ra chết người do tự sát, chết do can phạm đánh nhau tại các cơ sở giam giữ và làm rõ trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý và người đúng đầu cơ sở này. Thế nhưng sự việc vẫn xảy ra.

Theo đại biểu, dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cần tách riêng quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ và quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giam vì đây là hai đối tượng khác nhau. Luật cần quy định không giam chung những đối tượng này với đối tượng đã bị kết án tù, án chung thân, tử hình dù bản án chưa có hiệu lực hay đang chờ thi hành án.

Đề cập Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, đại biểu Lê Minh Hiền kiến nghị khi xem xét thông qua dự luật cần bổ sung quy định về minh oan cho người bị buộc tội chết trong giai đoạn điều tra.

Luật hiện hành và dự thảo luật sửa đổi còn thiếu quy định minh oan cho người đã chết trong giai đoạn điều tra, truy tố. Vì khi người bị buộc tội đã chết do bị bệnh, do tự sát, luật hiện hành chỉ nêu đình chỉ vụ án với lý do người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết mà không tiếp tục điều tra để kết luận người bị buộc tội đó có bị oan hay không để giải quyết bồi thường oan sai.

“Minh oan cho người bị oan khi đang giam giữ đã khó thì minh oan cho người chết còn khó hơn nhiều vì cơ chế minh oan còn nhiều bất cập. Tuy vậy, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Do đó pháp luật tố tụng hình sự cần quy định cụ thể để giải oan cho người bị buộc tội oan cho người đã mất, phần nào vơi đi đau khổ cho thân nhân của họ cũng như đời sống tâm linh của gia đình họ”, bà Lê Minh Hiền nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Nam- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Thanh Hóa nói: “Tinh thần Hiến pháp mới khẳng định chỉ người bị tuyên bằng bản án có hiệu lực mới có tội. Đối tượng đang trong quá trình điều tra bị chết là những người chưa có tội và nếu họ bị oan thì giải quyết câu chuyện này thế nào?”

Cần quy định minh oan cho người chết khi đang bị tạm giam, tạm giữ ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Đánh giá nạn bức cung, mớm cung, nhục hình, chết trong trại tạm giữ, tạm giam đang có biểu hiện gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đề nghị Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các luật liên quan cần tạo tiền đề hành lang pháp lý để khắc phục tình trạng vi phạm quyền con người, quyền công dân trong việc tạm giữ, tạm giam.

Liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo luật có quy định “thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam”. Đại biểu Trần Ngọc Vinh- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng rất khó xác định quy “thiếu trách nhiệm” mà chỉ có thể xác định người làm đúng hoặc làm trái các quy định. Do đó nên thay cụm từ “thiếu trách nhiệm” bằng “làm trái các nguyên tắc quy định của pháp luật”./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast