Cần quy định rõ trách nhiệm của người ra quyết định gây thất thoát, lãng phí

Ngày 4/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); thảo luận tổ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và Dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Buổi sáng, trước khi thảo luận, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Đại biểu Trần Tiến Dũng và một số đại biểu cho rằng, một số quy định của Dự thảo luật chưa có tính khả thi cao. Ảnh: Phạm Nghĩa

Đại biểu Trần Tiến Dũng và một số đại biểu cho rằng, một số quy định của Dự thảo luật chưa có tính khả thi cao. Ảnh: Phạm Nghĩa

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) và một số đại biểu cho rằng, một số quy định của Dự thảo luật chưa có tính khả thi cao, nhất là về: cơ chế, chính sách; trách nhiệm của người đứng đầu; cơ chế giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân. Do đó, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, bổ sung để tăng tính khả thi của luật; đặc biệt là cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu ra quyết định gây thất thoát, lãng phí.

Về phạm vi điều chỉnh, bên cạnh các ý kiến tán thành với Dự thảo luật, một số đại biểu đề nghị chỉ quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với khu vực Nhà nước, không quy định đối với khu vực SXKD ngoài Nhà nước và tiêu dùng của nhân dân vì lãng phí xảy ra và gây bức xúc trong xã hội chủ yếu trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ngoài ra, nếu chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo và không có chế tài xử lý thì cân nhắc có thể không nên quy định trong luật. Mặt khác, việc quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với khu vực SXKD và tiêu dùng của nhân dân đòi hỏi Nhà nước phải kiểm soát, điều chỉnh các hoạt động này, điều này có thể dẫn đến hạn chế quyền sở hữu về tài sản của các tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị, để tránh việc huy động, sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, gây lãng phí xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong SXKD và tiêu dùng của nhân dân là cần thiết; nếu SXKD và tiêu dùng của nhân dân lãng phí có tính chất xã hội thì Nhà nước phải có biện pháp điều chỉnh bằng cơ chế, chính sách. Hiện nay, tiêu dùng xã hội có biểu hiện lãng phí, tiêu dùng quá khả năng tài chính thực tế, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hóa khác...

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Dự thảo luật bổ sung nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong SXKD và tiêu dùng của nhân dân (Điều 63), bảo đảm quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, quy định về trách nhiệm của HĐND, UBND, Bộ VH-TT&DL, cơ quan thông tin đại chúng trong tổ chức thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong SXKD và tiêu dùng của nhân dân.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và Dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) thống nhất cao với việc tiếp tục đầu tư đường Hồ Chí Minh là phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đề nghị Bộ GTVT cần có sự phân luồng, phân tuyến đối với các loại xe tải hạng nặng đi đường Hồ Chí Minh để giảm tải cho QL 1A, mặt khác nhằm khai thác sử dụng hết khả năng vận tải của con đường, vừa tránh lãng phí và nhằm phát triển KT-XH các địa phương.

Về dự án Luật Hải quan (sửa đổi), các đại biểu: Võ Kim Cự, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) đồng tình cao việc sửa đổi lần này nhìn chung khá toàn diện, loại bỏ được những bất cập lâu nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cải cách thủ tục, hiện đại hóa quản lý hải quan, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, để tăng cường công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại thì luật cần quy định rõ trách nhiệm chính thuộc lực lượng nào, cơ quan nào có thẩm quyền tại cửa khẩu và áp dụng cơ chế một cửa quốc gia (Điều 35, 37) một cách thuận lợi và hiệu quả nhất, tránh tình trạng thiếu thống nhất giữa các lực lượng; nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực cán bộ và đầu tư hiện đại hóa lực lượng hải quan cũng như có chế độ chính sách thỏa đáng cho CBCC hải quan.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast