Cấp huyện, cấp xã có được ban hành văn bản pháp luật?

Nhiều ý kiến cho rằng việc giao cho cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật là cần thiết nhưng phải quy định chặt chẽ.

Tiếp tục phiên làm việc, chiều 22/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật.

Cấp huyện, cấp xã có được ban hành văn bản pháp luật? ảnh 1

Phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

Ý kiến khác nhau về thẩm quyền ban của cấp xã, huyện

Về thẩm quyền, hình thức ban hành văn bản của cấp huyện, cấp xã, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua qua thảo luận, còn có hai loại ý kiến.

Theo đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản pháp luật. Do đó cần quy định rõ về trình tự, thủ tục ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã.

Loại ý kiến này cho rằng việc quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã nhằm thực hiện quản lý nhà nước, để triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Hơn nữa, đây là cấp chính quyền có quyền quản lý nhà nước thì tại sao lại không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật là công cụ quan trọng để thực hiện quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản pháp luật và cho rằng trên thực tế ở nhiều địa phương đã không ban hành văn bản pháp luật hoặc nếu ban hành thì có nhiều văn bản cấp huyện, cấp xã thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; có không ít văn bản mâu thuẫn, trùng lặp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định thẩm quyền ban hành văn bản của chính quyền cấp huyện.

Ông Phan Trung Lý cho biết, Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn tự chủ của mình, việc giao cho cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật là cần thiết nhưng phải quy định chặt chẽ, rõ ràng về phạm vi, điều kiện, quy trình, thủ tục ban hành.

Làm rõ thêm một số nội dung liên quan, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh sẽ là bước ngoặt nếu luật này đưa vào một số nguyên tắc thi hành pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần giao cho cấp huyện, xã thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng chỉ là ngoại lệ (ví dụ tự quản mẫu giáo, vệ sinh môi trường...), còn lại phải tuân thủ pháp luật trung ương, tránh “phép vua thua lệ làng”.

Hình thức ban hành văn bản pháp luật

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ lại hình thức văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được ban hành để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi luật quy định về việc tổ chức chính trị - xã hội đó tham gia quản lý nhà nước; quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Một số ý kiến khác đề nghị không giao cho các cơ quan, tổ chức này ban hành văn bản liên tịch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc quy định hình thức văn bản pháp luật liên tịch giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật với tổ chức chính trị - xã hội không có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật sẽ không phù hợp.

Hơn nữa, Hiến pháp đã phân định rõ chức năng giữa các cơ quan nhà nước là quản lý với chức năng của các tổ chức chính trị - xã hội là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, của các thành viên, hội viên, thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Mặt khác, quy định ban hành các văn bản pháp luật liên tịch giữa các cơ quan, tổ chức sẽ dẫn đến không xác định được cơ quan hoặc tổ chức chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thi hành văn bản pháp luật.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị không ban hành văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

Liên quan ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ hình thức thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trường Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thường trực Ủy ban pháp luật nhận thấy, chức năng chính của các cơ quan tư pháp là áp dụng pháp luật trong hoạt động tố tụng, do đó việc quy định đồng thời vừa ban hành văn bản pháp luật và áp dụng pháp luật trong hoạt động tố tụng là chưa phù hợp.

Hơn nữa, cũng tương tự như cơ quan Kiểm toán Nhà nước, việc ban hành văn bản của cơ quan này chủ yếu là hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, chỉ đạo trong ngành mà không đòi hỏi phải ban hành văn bản có chứa đựng quy phạm. Vì vậy, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị không nên giữ lại thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị giữ quy định về thông tư liên tịch của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị không quy định ban hành loại thông tư liên tịch này và cho rằng, trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số Bộ đã phối hợp ban hành các thông tư liên tịch là cần thiết do pháp luật về tố tụng chưa hoàn thiện, nay các dự án luật, bộ luật trong lĩnh vực này đều đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn.

Hơn nữa, Điều 31 Hiến pháp đặt ra yêu cầu phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân trong các hoạt động tố tụng “theo trình tự luật định” và “trong thời hạn luật định”. Do đó, các vấn đề về tố tụng cần được quy định chi tiết trong các luật về tố tụng như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính. Trong trường hợp thật cần thiết, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, bộ luật tố tụng mà không nên tiếp tục ban hành thông tư liên tịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị tiếp tục rà soát cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật để tiếp tục trình Quốc hội xem xét./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast