Cầu nối tình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển

Sau gần 1 năm thực hiện thỏa thuận tại hội nghị cấp cao các tỉnh có sử dụng đường 8 và đường 12 ba nước Việt Nam – Lào – Thái Lan lần thứ XII, hầu hết các nội dung cam kết tại hội nghị này được các tỉnh thành viên hiện thực hóa với những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động hợp tác trên lĩnh vực văn hóa – thể thao – du lịch, giáo dục - đào tạo chính là cầu nối hữu nghị giúp các tỉnh này xích lại gần nhau hơn và thúc đẩy hợp tác sâu, hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực.

Chào mừng Hội nghị cấp cao các tỉnh 3 nước Việt Nam – Thái Lan – Lào có sử dùng đường 8 và đường 12

Trong năm 2009, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình cử đoàn nghệ thuật của tỉnh sang thăm và biểu diễn tại tỉnh Nakhonphanôm (Thái Lan) nhân dịp lễ hội đua thuyền lửa của bạn; tỉnh Nghệ An cử đoàn nghệ thuật sang giao lưu, công diễn tại Pạc Xan – Bôlykhămxây nhân kỷ niệm 25 năm thành lập tỉnh và biểu diễn phục vụ hội nghị xúc tiến du lịch tại Thái Lan. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình còn giúp tỉnh Khăm Muộn (Lào) nâng cao nghiệp vụ bảo tàng, lập hồ sơ di tích nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và truyền thụ các kinh nghiệm xây dựng làng, bản văn hóa.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Hà Tĩnh - Ảnh: Xuân Hòa.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Hà Tĩnh - Ảnh: Xuân Hòa.

Năm 2009, ngành du lịch của các tỉnh có sử dụng đường 8 và đường 12 có nhiều chuyển biến tích cực trong sự phối hợp, liên kết tổ chức các tour du lịch, thu hút khách du lịch từ các địa phương khác của 3 nước và quốc tế tham gia. Chú trọng hơn vào đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách tham quan du lịch.

Ngành du lịch Nghệ An và một số công ty du lịch của Hà Tĩnh đã ký hợp đồng du lịch với tỉnh Bôlykhămxây, Khăm Muộn. Tỉnh Nakhonphanôm, Noọng Khai và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan mở các tour du lịch sang Lào, Việt Nam. Cũng trong năm 2009, tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ VH -TT&DL Việt Nam, tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Khỏn Kèn (Thái Lan) tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch tại thành phố này, thu hút hơn 200 nhà quản lý du lịch, các hãng lữ hành quốc tế và những người quan tâm đến tham gia.

Trên lĩnh vực GD -ĐT, các tỉnh có sử dụng đường 8 và đường 12 đã đạt được hiệu quả khá cao trong hợp tác phối hợp đào tạo ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, học sinh của các bên. Năm học 2009-2010, Hà Tĩnh nhận đào tạo tiếng Việt cho 59 học viên của tỉnh Bôlykhămxây, Khăm Muộn và đang tiếp tục đào tạo chuyên ngành cho 47 học sinh năm thứ nhất, hơn 20 học sinh năm thứ 2 của nước CHDCND Lào tại trường Đại học Hà Tĩnh.

Năm 2009, tỉnh Bôlykhămxây tiếp nhận 6 học sinh của Hà Tĩnh sang học tại trường Đại học của Lào; tỉnh Noọng Khai tiếp nhận 1 học sinh của Hà Tĩnh sang học tại trường Đại học Khỏn Kèn; tỉnh Nghệ An nhận đào tạo hơn 20 sinh viên tỉnh Bôlykhămxây, ngoài ra còn có nhiều học sinh của Thái Lan và một số tỉnh khác đang tu nghiệp tại trường Đại học Vinh. Cũng trong năm 2009, tỉnh Quảng Bình nhận đào tạo giúp 2 tỉnh Khăm Muộn và Savanakhẹt (Lào) 15 học viên các chuyên ngành tại trường Đại học và Trung cấp của tỉnh, nâng tổng số học sinh của Lào đang học tại Quảng Bình lên 42 học viên. Quảng Bình cũng đã tuyển 50 sinh viên gửi đi đào tạo tại các trường đại học của Thái Lan.

Tháng 12-2008, Hà Tĩnh tổ chức thành công 2 lớp tiếng Lào tại chỗ cho 52 cán bộ công chức của tỉnh do giáo viên của Bôlykhămxây sang trực tiếp giảng dạy. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã cử 2 giáo viên sang giảng dạy tại trường Tiểu học Hữu Nghị thị xã Pạc Xan, tỉnh Bôlykhămxây. Tỉnh Nghệ An phối hợp với hội hữu nghị Việt – Thái mở lớp đào tạo tiếng Thái tại Nghệ An.

Tháng 3-2009, trường Đại học Khon Kaen – tỉnh Nakhonphanôm (Thái Lan) cử đoàn cán bộ giáo viên (CBGV) sang thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác đào tạo với trường Đại học Hà Tĩnh. Trường Đại học Hà Tĩnh cũng đã tổ chức đoàn CBGV sang tham quan giao lưu tại trường Đại học Khỏn Kèn, phân hiệu Noọng Khai. Tỉnh Sakonnakhon (Thái Lan) cam kết trong thời gian tới sẽ cấp học bổng cho sinh viên của Lào và Việt Nam sang du học tại đây.

Trong năm qua, trường Đại học Quảng Bình đón 11 đoàn với 159 lượt CBGV, sinh viên của các trường Đại học Nakhonphanôm, Sakonnakhon, Khỏn Kèn, Roi Ét (Thái Lan) đến thăm, làm việc, nghiên cứu và học tiếng Việt. Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các trường đại học, cao đẳng của Lào, Thái Lan thành lập trung tâm nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ của các nước Lào, Thái Lan tại trường Đại học Quảng Bình, đồng thời cử 4 giáo viên của tỉnh sang tham gia giảng dạy đào tạo tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt tại tỉnh Khăm Muộn, Savannakhẹt (Lào).

Trên lĩnh vực y tế, 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chủ yếu đang hợp tác với các tỉnh của nước CHDCND Lào có chung đường biên. Bác sỹ Phan Thị Ninh – Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành Y tế Hà Tĩnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tỉnh Bôlykhămxây. Hàng năm, 2 ngành của 2 tỉnh đều cử đoàn công tác trao đổi tình hình dịch bệnh, ký kết các chương trình hỗ trợ, hợp tác trên lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch cho nhân dân vùng biên và khu vực cửa khẩu, đào tạo cán bộ y tế cho bạn. Hàng tháng, ngành Y tế của 2 tỉnh thông báo tình hình các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh cho nhau. Tổ chức kết nghĩa giữa y tế 2 huyện biên giới Khăm Cớt và Hương Sơn, tổ chức các đoàn cán bộ chuyên ngành của 2 huyện giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Ngành Y tế Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tại Khu kinh tế Cầu Treo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Hương Sơn, hàng năm tiếp nhận hàng ngàn lượt người bệnh của Lào sang khám và điều trị. Những bệnh nhân là người Lào khám, điều trị ở các cơ sở y tế này đều được hưởng chế độ dịch vụ y tế ưu đãi như công dân Việt Nam chứ không theo mức thu phí đối với người nước ngoài.

Trong năm 2009, Sở Y tế Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn nghiệm vụ cho cán bộ y tế đường biên và đội ngũ làm công tác kiểm dịch của 2 nước tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Tháng 10-2009, Sở Y tế Hà Tĩnh đã cấp viện trợ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bôlykhămxây 50 giường bệnh nhân.

Hiện nay, ngành Y tế của 2 tỉnh đang phối hợp thực hiện chung dự án phòng chống dịch qua biên giới của các nước tiểu vùng sông Mê Kông (MBDS) một cách hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast