Chánh án TAND tối cao: Để tránh oan sai, phải tăng cường tranh luận tại tòa

(Baohatinh.vn) - Sáng 13/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng chủ trì hội nghị trực tuyến với Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình về tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan, sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trần Tiến Dũng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Chánh án TAND tối cao: Để tránh oan sai, phải tăng cường tranh luận tại tòa ảnh 1

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình quả quyết, trong 3 năm 2012 - 2014, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án nói chung và giải quyết các vụ án nói chung và giải quyết, xét xử các vụ án hình sự nói riêng có sự chuyển biến tích cực; chất lượng xét xử, giải quyết được đảm bảo. Tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án luôn ở mức thấp và giảm so với các năm trước. Cụ thể, trong các năm 2012-2014, tỷ lệ án hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là 0,6% (năm 2012), 0,7% (năm 2013) và 0,6% (năm 2014).

Chánh án TAND tối cao: Để tránh oan sai, phải tăng cường tranh luận tại tòa ảnh 2

Chánh án TAND tối cao khẳng định: “Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội”.

Tuy nhiên, từ thực tiễn xem xét, giải quyết bồi thường do kết án oan người vô tội xảy ra từ các năm trước cho thấy, bên cạnh năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp của một số thẩm phán, hội thẩm nhân dân bị hạn chế thì việc xét xử các vụ án hình sự chủ yếu được thực hiện theo mô hình xét hỏi, dẫn tới HĐXX bị phụ thuộc vào tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập.

Tại phiên trả lời sáng nay, các đại biểu chất vấn người đứng đầu ngành tòa án về 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm là: vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Nguyễn Thanh Chấn, Lê Bá Mai và Huỳnh Văn Nén.

Với các câu hỏi liên quan đến việc vì sao ông Chấn có đơn kêu oan nhiều năm nhưng không được xem xét, chỉ đến khi hung thủ thực sự là Lý Nguyễn Chung đầu thú thì Viện KSND tối cao mới xem xét tái thẩm hay việc giải quyết bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: “TAND tối cao đã đề nghị gia đình ông Chấn cung cấp thêm tài liệu để làm căn cứ xem xét, bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần cho ông Chấn nhưng phía gia đình vẫn chưa cung cấp được”.

Ngoài ra, Chánh án TAND tối cao cũng làm rõ và giải đáp những thắc mắc của các đại biểu về các vụ án Hồ Duy Hải, Lê Bá Mai, Huỳnh Văn Nén…

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cũng cho biết thêm, để khắc phục oan, sai, phải tăng cường tranh luận tại tòa, nâng cao chất lượng cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; phải vì công lý chứ không phải vì thành tích phá án. Luật cần quy định rõ thẩm quyền của Tòa án trong việc xem xét hồ sơ vụ án, Tòa có quyền trả hồ sơ và trực tiếp điều tra chứng cứ. Nếu thấy không đủ căn cứ, Tòa phải tuyên vô tội.

Chiều nay, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử sẽ trả lời nội dung chất vấn xoay quanh việc thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; vấn đề ma túy, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast