Chánh án TAND Tối cao hứa giải quyết triệt để vụ án oan 10 năm

Trước sức nóng của những vụ án oan do lỗi chủ quan của thẩm phán, kiểm sát viên, trên diễn đàn Quốc hội ngày 7/11, ông Trương Hòa Bình - Chánh án Toàn án nhân dân Tối cao - khẳng định sẽ giải quyết triệt để vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Lãnh đạo ngành tòa án nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến vụ án oan công dân Nguyễn Thanh Chấn (Ảnh: Việt Hưng)
Lãnh đạo ngành tòa án nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến vụ án oan công dân Nguyễn Thanh Chấn (Ảnh: Việt Hưng)

Không bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát có án bị hủy

Không đề cập trực tiếp đến vụ Nguyễn Thanh Chấn nhưng đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn thành phố Đà Nẵng) dành phần lớn thời gian phát biểu của mình đánh giá về án oan sai và năng lực của cán bộ ngành tòa án. “Đề nghị ngành tòa án, kiểm sát siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ đối với thẩm phán, kiểm sát viên có án bị hủy do lỗi chủ quan; phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân sai phạm. Những vụ án oan sai cần xử lý kịp thời, đúng pháp luật, nhằm đem lại công lý cho xã hội”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

Để siết chặt kỷ cương trong ngành tòa án, đại biểu Nghĩa đề nghị phải kiên quyết không bổ nhiệm lại những người có án bị hủy, khắc phục tình trạng che giấu số lượng án bị hủy mỗi khi làm thủ tục tái bổ nhiệm, làm được điều này chắc chắn chất lượng xét xử án sẽ nâng cao, đơn giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ không quá nhiều như hiện nay.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa: "Đề nghị ngành tòa án, kiểm sát siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ" (Ảnh: Việt Hưng)
Đại biểu Huỳnh Nghĩa: "Đề nghị ngành tòa án, kiểm sát siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ" (Ảnh: Việt Hưng)

Trong khi đó, đại biểu Đào Thị Xuân Lan (đoàn Hưng Yên) có những đánh giá khiến nhiều người trong ngành tòa án phải soi lại mình. Cụ thể, đại biểu Lan cho rằng, công tác của ngành tòa án vẫn còn có những hạn chế, thiếu sót, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của tòa án vẫn chưa giảm mạnh. Đặc biệt vẫn còn một số cán bộ thẩm phán vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, thậm chí có những thẩm phán đã vi phạm pháp luật về hình sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho biết, bà và nhiều cử tri trông chờ pháp luật ngày càng được thực thi một cách nghiêm minh hơn, xử lý một người giáo dục nhiều người, đúng người, đúng tội để tránh bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan sai đối với người vô tội, án oan, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Giải quyết triệt để vụ án oan 10 năm

Ngay sau phần nêu ý kiếu của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chánh án Toàn án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình làm rõ những băn khoăn của đại biểu. Theo ông Bình, để giải quyết tình trạng án tuyên không rõ, giữa Tòa án và Bộ Tư pháp đã ký quy chế phối hợp.

Vấn đề án treo, ông Bình cho biết trong ngày 7/11 đã ký nghị quyết mới về hướng dẫn án treo. Nếu đối tượng cầm đầu chủ mưu chỉ huy, những đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong các vụ án tham nhũng thì sẽ không được hưởng án treo. Do vậy ngành tòa án hướng tới mục tiêu chắc chắn tình trạng án treo sẽ giảm.

Về vụ án oan đối với công dân Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã xem xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao một cách thận trọng, khách quan, toàn diện nhằm giải quết triệt để vụ án.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, vụ án của công dân Nguyễn Thanh Chấn đang gây nhiều tranh luận khác nhau. Trong đó, có ý kiến đặt vấn đề tại sao lại kháng nghị tái thẩm không phải là kháng nghị giám đốc thẩm. “Kháng nghị tái thẩm là xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi vụ án. Sau khi nhận đơn tố giác và vận động đầu thú thì đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và việc này xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi vụ án. Có nhiều ý kiến băn khoăn liệu việc đó có làm giảm trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng không, tôi khẳng định là không, nếu có vi phạm”, ông Bình nói.

Quang Phong

Nguồn: dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast