Chiến thắng Điện Biên Phủ - Đỉnh cao thời đại

Tháng 5/1954, dân tộc Việt Nam đã làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu: Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Chiến thắng này là minh chứng sống động, đỉnh cao của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam; cổ vũ động viên cho những nước thuộc địa trên toàn thế giới đứng lên chiến đấu để giải phóng đất nước, giành lại độc lập dân tộc.

Kỷ niệm 59 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2013)

Ngày 7/5/1954, ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của QĐND Việt Nam anh hùng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát-tơ-ri, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh tư liệu
Ngày 7/5/1954, ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của QĐND Việt Nam anh hùng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát-tơ-ri, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh tư liệu

Trong chiến dịch Thu Đông năm 1953–1954, Pháp tập trung tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ một lực lượng quân sự lớn với 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và 1 phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch là 16.200 tên, chúng bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lượng ở ngay giữa Mường Thanh. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 chiếc lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200-300 tấn hàng và thả dù từ 100-150 tên địch, đảm bảo nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến.

Sau khi phân tích tình hình các chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị họp, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận “quyết chiến chiến lược” giữa ta và địch. Bộ Chính trị nhận định, tuy Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, song lại bị cô lập và rất xa hậu phương của địch nên mọi tiếp tế, vận chuyển đều dựa vào đường hàng không. Quyết định của Bộ Chính trị và Chính phủ tập trung tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ đã trở thành ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Chiến dịch Điện Biên Phủ được bắt đầu từ ngày 13/3 đến 7/5/1954, chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 13 - 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Piroth - Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát.

Bác Hồ gắn huy hiệu cho các chiến sỹ Điện Biên Phủ. Ảnh TL
Bác Hồ gắn huy hiệu cho các chiến sỹ Điện Biên Phủ. Ảnh TL

Giai đoạn 2 từ ngày 30/3 đến 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Tướng Navarre hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt và gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Tại đồi C1, quân ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, rồi 30 ngày ở đồi A1. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Giai đoạn 3 từ ngày 1/5 - 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 6/5/1954, tại đồi A1, trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải xin đầu hàng. 17h30’ ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào. Đến 24h cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng, góp phần quyết định cho thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương năm 1954.

Tướng Đờ Ca-stri và toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Ảnh TL
Tướng Đờ Ca-stri và toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Ảnh TL

Ngày 7/5/1964, nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ viết vào sổ cảm tưởng của Bảo tàng Điện Biên Phủ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của Chủ nghĩa Mác Lê-nin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”. Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng “đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn).

Kỷ niệm 59 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, một Đảng Mác Lê-nin chân chính; tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta; tự hào về dân tộc anh hùng, về các LLVT nhân dân, về quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến, bách thắng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast