Chủ tịch nước làm việc tại LHQ và Cuba mở ra cơ hội hợp tác mới

Thành công từ các hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn Cấp cao Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và Cuba đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.

Rạng sáng 2/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn cấp cao nước ta đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại New York (Hoa Kỳ) từ ngày 24 đến 28/9/2015 theo lời mời của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và thăm chính thức Cộng hòa Cuba từ ngày 28 đến 30/9/2015 theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Raul Catro Ruz.

Chuyến tham dự hội nghị đã để lại dấu ấn quan trọng của Việt Nam thể hiện quyết tâm trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên và thắt chặt quan hệ hữu nghị thủy chung giữa Việt Nam với Đảng, Nhà nước Cuba anh em.

Chủ tịch nước làm việc tại LHQ và Cuba mở ra cơ hội hợp tác mới ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon

Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững là Hội nghị quan trọng nhất về phát triển kể từ Hội nghị thượng đỉnh năm 2000 và có quy mô toàn cầu lớn nhất với sự tham dự của 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc trong đó gần 130 nước dự cấp Nguyên thủ và Thủ tướng.

Hội nghị càng có ý nghĩa quan trọng khi được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc. Đây là cũng dịp để các nước đánh giá lại vị trí, vai trò của Liên Hợp Quốc trong 70 năm qua và đưa ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới.

Điểm nổi bật quan trọng nhất của Hội nghị lần này là đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới về phát triển mang tính bước ngoặt, phản ánh nguyện vọng chung của người dân trên toàn thế giới về một thế giới hoà bình, an toàn, không còn đói nghèo, công bằng, xanh và sạch.

Khác với các các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ chỉ tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, văn kiện Hội nghị thượng đỉnh lần này với tên gọi "Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững", đã đề ra 17 Mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể, qua đó tạo khuôn khổ, định hướng mới về phát triển cho tất cả các nước trong việc ứng phó các thách thức chung trên cả ba trụ cột tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, và bảo vệ môi trường.

Tại Hội nghị thượng đỉnh, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện thành công mục tiêu toàn cầu sau 2015 bằng việc đổi mới quan hệ đối tác toàn cầu. Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh "Chương trình nghị sự 2030 buộc chúng ta phải vượt qua những giới hạn ở tầm quốc gia và các lợi ích ngắn hạn và phải hành động đoàn kết ở tầm dài hạn".

Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định: “Cam kết với chương trình nghị sự 2030 sẽ được chứng tỏ bằng hành động. Chúng ta cần hành động từ mọi người, từ mọi nơi trên khắp thế giới. 17 mục tiêu phát triển bền vững là kim chỉ nam của chúng ta. Đó cũng chính là bản danh mục những điều cần làm cho người dân và hành tinh của chúng ta và cũng là dấu ấn của sự thành công”.

Chủ tịch nước làm việc tại LHQ và Cuba mở ra cơ hội hợp tác mới ảnh 2

Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc

Với tầm quan trọng của Hội nghị, Đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham gia tích cực, có đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng về các mục tiêu và nội dung phát triển bền vững. Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng với thông điệp "Bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững".

Chủ tịch nước nêu bật các thách thức lớn đang đe doạ hoà bình, an ninh và phát triển bền vững trên thế giới; khẳng định Việt Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: “Hòa bình và phát triển luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Các Mục tiêu phát triển bền vững không thể trở thành hiện thực trong điều kiện chiến tranh, xung đột và bất ổn. Chúng ta chỉ tập trung được mọi nguồn lực cần thiết cho phát triển trong môi trường hòa bình, ổn định. Chúng ta cần thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia”.

“Việt Nam chúng tôi cho rằng để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển, mỗi quốc gia trước hết cần có quyết tâm chính trị cao, phát huy tối đa nội lực và tiềm năng đất nước, đưa quan điểm bền vững trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài và lồng ghép các Mục tiêu phát triển bền vững vào mọi chiến lược và chương trình quốc gia, trong đó con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng giới thiệu Chiến lược quốc gia của nước ta về phát triển bền vững, quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Việt Nam; nhấn mạnh nỗ lực của Việt Nam cùng các nước ASEAN duy trì hoà bình, an ninh trong khu vực để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Bên cạnh phát biểu tham luận tại phiên họp chính của Hội nghị, Liên Hợp Quốc còn mời Chủ tịch nước và Đoàn Việt Nam phát biểu chia sẻ kinh nghiệm tại nhiều sự kiện, diễn đàn cấp cao liên quan trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh.

Chủ tịch nước đã có ba phát biểu tham luận chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam về phát triển nông thôn bền vững, bảo đảm bình đẳng giới. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Hoạt động giữ gìn hoà bình của Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước chính thức thông báo Việt Nam sẽ sớm cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 và đơn vị công binh tham gia Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc, đồng thời nêu bật quan điểm của Việt Nam về sứ mạng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.

Theo uỷ quyền của Chủ tịch nước, các thành viên Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự và phát biểu đóng góp tại nhiều diễn đàn của Hội nghị thượng đỉnh như phiên Đối thoại cấp cao về xoá đói nghèo, lĩnh vực Việt Nam đạt được thành tựu ấn tượng nhất và Sự kiện “Từ Đối thoại toàn cầu đến Hành động toàn cầu - Thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; Chiến lược an ninh lương thực khu vực và đối tác công tư”...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng sự tham gia và đóng góp tích cực, thực chất trên nhiều lĩnh vực về phát triển bền vững và gìn giữ hoà bình của Chủ tịch nước và Đoàn Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh đã được Liên Hợp Quốc và các nước đánh giá cao. Các nước đối tác nhìn nhận Việt Nam không chỉ là biểu tượng đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà còn là hình mẫu về phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết: "Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định rõ Việt Nam là nước đóng góp rất tích cực trong thương lượng văn kiện Hội nghị thượng đỉnh, có cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), là điểm sáng về giảm đói nghèo, là 1 trong 8 quốc gia đi tiên phong thực hiện sáng kiến “Một Liên Hợp Quốc”. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh nếu tất cả các nước đều nỗ lực hiệu quả như Việt Nam thì chắc chắn thế giới sẽ thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới”.

Song song các hoạt động ngoại giao đa phương, Chủ tịch nước và Đoàn Việt Nam cũng đã gặp gỡ gần 20 Trưởng đoàn và lãnh đạo các nước để trao đổi về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm và tăng cường quan hệ song phương, nhất là với các nước mà hai bên có yêu cầu thúc đẩy hợp tác thực chất về kinh tế, thương mại, đầu tư nhưng ít có dịp gặp gỡ cấp cao.

Lãnh đạo các nước đều đánh giá cao công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, cho rằng với những thành tựu như vậy, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng là ủy viên không thường trực HĐBA khóa 2020-2021 và các tổ chức khác của Liên Hợp Quốc, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch nước làm việc tại LHQ và Cuba mở ra cơ hội hợp tác mới ảnh 3

Chủ tịch nước dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ

Đặc biệt, tại New York Chủ tịch nước đã có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Obama, cựu Tổng thống Bill Clinton, dự và phát biểu tại buổi Toạ đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ về chủ đề tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ; gặp gỡ và trao đổi với đông đảo bạn bè Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt Nam đang học tập và định cư tại Hoa Kỳ.

Nổi bật là phát biểu của Chủ tịch nước tại phiên Đối thoại chính sách tại Hội châu Á có sự tham gia đông đảo chính giới, học giả... Chủ tịch nước cho rằng châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và hợp tác liên kết vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đang trải qua những biến động mạnh mẽ và sâu sắc, xuất hiện những thách thức và nguy cơ ngày càng nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Tình hình đó đòi hỏi sự quan tâm, trách nhiệm chung và sự hợp tác của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm mục tiêu chung là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước làm việc tại LHQ và Cuba mở ra cơ hội hợp tác mới ảnh 4

Chủ tịch nước gặp gỡ kiều bào và bạn bè Mỹ

Xây dựng lòng tin chính trị, làm sâu sắc quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ

Về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Chủ tịch nước khẳng định những lợi ích căn bản mà hai nước chia sẻ là nguyên nhân và động lực giúp hai nước vượt qua được quá khứ chiến tranh và những khác biệt để trở thành Đối tác toàn diện của nhau.

Ngày nay, sự chia sẻ lợi ích giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc giữ vững hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực đã bao hàm cả việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ môi trường biển… và bằng các biện pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực…

Những gì mà Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ và đồng hành cũng là nguyện vọng chung của đông đảo các dân tộc chung sống ở khu vực này. Vì vậy, có thể nói ngày nay, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.

Để tận dụng những cơ hội hợp tác, cụ thể hóa và làm sâu sắc quan hệ Đối tác toàn diện một cách hiệu quả và thực chất, vì một tầm nhìn tươi sáng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng, trong tiến trình này, điểm quan trọng nhất là hai bên cần xây dựng được lòng tin, nhất là lòng tin chính trị.

Bài học lịch sử và kinh nghiệm thực tế đã chỉ rõ rằng tăng cường tình hữu nghị và hợp tác là con đường đúng đắn duy nhất của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Trên tinh thần thẳng thắn, thiện chí, tăng cường hiểu biết và thu hẹp bất đồng, với nhiều lợi ích tương đồng và to lớn mà hai nước cùng chia sẻ, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tận dụng tốt được những cơ hội hợp tác để cụ thể hóa tầm nhìn về quan hệ giữa hai nước đã được thiết lập và làm sâu sắc quan hệ Đối tác Toàn diện một cách hiệu quả và thực chất, vì một tầm nhìn tươi sáng của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Tình cảm đồng chí Việt Nam – Cuba luôn thủy chung, son sắt

Rời Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn cấp cao đã tới thăm đất nước Cuba anh em.

Chủ tịch nước làm việc tại LHQ và Cuba mở ra cơ hội hợp tác mới ảnh 5

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Cuba Raul Castro duyệt đội danh dự

Trong suốt thời gian chuyến thăm, lãnh đạo và nhân dân Cuba đã dành cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao ta những tình cảm nồng hậu, sự đón tiếp rất trọng thị mà biểu hiện sinh động là trao tặng Chủ tịch nước Huân chương Jose Marti, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước Cuba dành cho Lãnh đạo và danh nhân nước ngoài.

Qua các cuộc hội đàm cấp cao, gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè Cuba, thăm các trường học mang tên Bác Hồ, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng, trực tiếp xuống các cánh đồng của dự án hợp tác trồng lúa Calimete, có thể nhận thấy rõ là mặc dù thế giới thay đổi, Cuba cũng đang có những bước chuyển đổi quan trọng, song tình cảm đồng chí Việt Nam – Cuba vẫn luôn thủy chung, son sắt, hợp tác hai nước đang có những bước tiến triển rất thực chất.

Bà Yolanda Ferrer- nguyên Tham tán thương mại Cuba tại Việt Nam chia sẻ, trong bất cứ hoàn cảnh nào hai nước cũng đều ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau, đó thực sự là quan hệ mẫu mực như lãnh tụ Fidel Castro từng khẳng định.

Bà BàYolanda Ferrer nói: “Sự hợp tác của chúng ta trên nhiều lĩnh vực đã ngày càng phát triển. Tấm gương phát triển mạnh mẽ của Việt Nam làm cho chúng tôi ngày càng phải cố gắng hơn nữa để làm cho Cuba phát triển. Chúng tôi lắng nghe lời Chủ tịch Fidel là tất cả cái gì cũng làm được, lấy tấm gương Việt Nam. Đó là quan hệ mẫu mực, không gì có thể phá bỏ được”.

Chủ tịch nước làm việc tại LHQ và Cuba mở ra cơ hội hợp tác mới ảnh 6

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Cuba

Không chỉ thắt chặt quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa 2 nước, qua chuyến thăm lần này, hai bên đều mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Cuba được tổ chức tại thủ đô La Habana đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước và lãnh đạo cấp cao 2 nước cũng đã tham dự và nêu bật tiềm năng, cơ hội hợp tác.

Việt Nam với kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới và Cuba đang trong quá trình “Cập nhật hóa mô hình kinh tế” hoàn toàn có thể bổ sung hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Điều quan trọng hai bên cần có sự đột phá hơn nữa trong hợp tác kinh tế nhất là các lĩnh vực mũi nhọn như vật liệu xây dựng, hạ tầng, viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghệ thông tin… và mở rộng ra các lĩnh vực khác để đạt được các kết quả thực chất trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: “Diễn đàn Doanh nghiệp ngày hôm nay chính là một minh chứng cho nỗ lực của hai bên và cần được nhân rộng nhiều hơn nữa một cách hiệu quả và thực chất. Tôi tin rằng với đà thuận lợi về đối ngoại của Cuba, với những thay đổi quan trọng về chính sách kinh tế của Cuba, Cuba sẽ là một thị trường tiềm năng trong thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác kinh tế quốc tế".

Trong bối cảnh đó, chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn và mong muốn thiết lập hợp tác thương mại, đầu tư và kinh doanh với các đối tác Cuba, đóng góp tích cực và vun đắp thêm cho mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Cuba.

Chủ tịch nước làm việc tại LHQ và Cuba mở ra cơ hội hợp tác mới ảnh 7

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chứng kiến lễ ký kết một số dự án hợp tác

Ngay trong khuôn khổ chuyến thăm, doanh nghiệp hai nước đã ký kết 6 hợp đồng, dự án hợp tác cụ thể. Ngoài ra, Cuba khẳng định sẵn sàng làm cầu nối, hỗ trợ ta mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước khu vực Mỹ Latinh-Caribe. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thành công tốt đẹp, góp phần tiếp tục tăng cường quan hệ đoàn kết anh em và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nêu rõ: “Chúng tôi thấy rõ ràng mặc dù thời thế thay đổi và Cuba cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi nhưng tình cảm đồng chí anh em, sắt son thủy chung của Việt Nam và Cuba vẫn không thay đổi. Qua chuyến thăm này, chúng ta thể hiện tình đoàn kết, sự ủng hộ với Cuba".

Hai bên cũng đi vào bàn các vấn đề rất thực chất cả về chính trị, trao đổi đoàn và hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư làm sao tận dụng được cơ chế ủy ban hỗ hợp giữa hai nước và đặc biệt Diễn đàn doanh nghiệp lần này đã rất thành công, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tận dụng những cơ hội mới trong bối cảnh mới đang đặt ra và hai bên cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.

Có thể thấy rằng, các hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc và thăm chính thức Cộng hòa Cuba lần này đã thể hiện sinh động chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đề cao đường lối đối ngoại của Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng này đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam, tăng cường và mở ra cơ hội hợp tác mới với Liên Hợp Quốc và nhiều nước, trong đó có các đối tác lớn và bạn bè truyền thống vì hòa bình hợp tác và phát triển bền vững.

Theo VOV

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast