Chưa thể trình Quốc hội Dự án Luật Hộ tịch

Cho rằng dự án Luật Hộ tịch còn nhiều vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lùi thời gian trình Quốc hội.

Dự thảo Luật Hộ tịch được xây dựng nhằm cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt giấy tờ cho công dân trong đăng ký hộ tịch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch, đổi mới công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Tuy nhiên, chiều 13/8, khi cho ý kiến về dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án luật trình ra lần này chưa được như kỳ vọng.

Nhiều câu hỏi cần giải đáp

Hầu hết ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội đều bày tỏ băn khoăn khi rất nhiều nội dung chưa được cơ quan soạn thảo thuyết minh, giải trình một cách thuyết phục. Ngay báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật cũng đặt ra hàng loạt nội dung cần được làm rõ.

Luật Hộ tịch được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân (Ảnh minh họa: Phapluatvn)
Luật Hộ tịch được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân (Ảnh minh họa: Phapluatvn)

Các thành viên Ủy ban đều đặt vấn đề cần làm rõ việc ban hành Luật Hộ tịch sẽ thay thế, loại bỏ được bao nhiêu loại giấy tờ tùy thân trong quản lý dân cư hiện nay. Các quy định trong dự thảo Luật có phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và Luật cần kế thừa những nội dung còn phù hợp đã được thực tiễn kiểm nghiệm hiện đang được quy định tại các nghị định của Chính phủ, giảm bớt việc ban hành văn bản hướng dẫn và bảo đảm tính thống nhất với quy định của các Luật hiện hành.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nêu thực tế hiện công dân có quá nhiều giấy tờ nên luật này cần tính đến giảm bớt phiền hà cho dân. Bà Mai đánh giá, theo dự án Luật, số định danh sẽ cấp cho công dân là một bước tiến, nhưng tờ trình chưa cho thấy cuối cùng nó sẽ bớt đi được bao nhiêu trong khoảng 20 loại giấy tờ mà người dân đang phải mang theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi, việc bố trí hộ tịch viên tại xã làm nhiệm vụ cập nhật dữ liệu vào sổ hộ tịch gốc thì biên chế sẽ thế nào, tác động ra sao đến ngân sách? Điều này cần phải được tính đến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì chia sẻ: “Luật Hộ tịch được kỳ vọng rất nhiều, trong đó có việc mỗi người sẽ bớt được bao nhiêu loại giấy tờ phải mang trong ví. Nhưng tinh thần tờ trình cho thấy, hộ tịch và hộ khẩu vẫn khác nhau, rồi vẫn còn chứng minh, hộ chiếu. Vậy Luật ra đời giải quyết điều gì? Sao không gom lại, để một người chỉ còn một loại giấy tờ thôi, chứ nếu không chỉ thêm người thêm việc”.

Về khía cạnh kỹ thuật, dự án Luật giao đăng ký hộ tịch cho cấp xã. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đặt vấn đề, khi có sự thay đổi như kết hôn, ly hôn thì người dân có thể khai báo ở nơi cứ trú hay phải về xã- nơi giữ sổ hộ tịch gốc?

Trả lời những câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, theo lộ trình, đến năm 2020, tất cả công dân đều có số định danh cá nhân. Khi đó, người dân chỉ cần cho biết số định danh thì cơ quan quản lý hành chính sẽ đối chiếu dữ liệu. Tiến tới, cùng với thẻ điện tử, người dân không cần phải mang theo bất cứ một thứ giấy tờ gì, ở bất kỳ đâu và khi người dân yêu cầu thì được cấp trích lục.

Chính phủ cũng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án cải cách thủ tục hành chính và có cả văn phòng ban chỉ đạo giúp việc. Điều đó cho thấy Chính phủ rất quyết tâm và các Bộ đồng thuận. Dự án Luật Hộ tịch hoàn toàn phù hợp với lộ trình đó. Luật được thông qua sẽ là cơ sở để có số định danh và khi giải quyết việc gì, cơ quan thụ lý sẽ truy từ số định danh đó.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, khi có sự thay đổi thông tin (như kết hôn, ly hôn…), người dân không cần quay về xã nơi giữ hộ tịch gốc mà cơ quan nhà nước liên quan có nghĩa vụ thông báo cho cấp xã để xã cập nhật vào cơ sở dữ liệu.

Về vấn đề biên chế, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định tổng biên chế sẽ không tăng. Hiện tại khoảng 5000 xã trong tổng số 11.000 xã đã có từ 1 đến 2 cán bộ hộ tịch. Số xã còn lại, biên chế sẽ được bố trí hợp lý dựa trên nhân lực sẵn có, vì thực tế có người đang hưởng lương cán bộ hộ tịch nhưng làm việc khác.

Phải làm rõ mới trình ra Quốc hội

Phát biểu tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tinh thần là việc gì có lợi cho dân thì dù là nhỏ nhất cũng phải làm, không có lợi thì không làm. Dự án luật được trình ra lần này thực sự chưa thuyết minh, giải trình một cách thuyết phục. Nhiều điểm quy định chưa rõ, thậm chí có thể hiểu là sẽ gây thêm phiền hà cho người dân.

“Cần làm rõ người dân được lợi gì, họ có giấy gì là được, phải làm sao để người dân thấy một giấy là tốt nhất. Về phía Nhà nước, muốn quản lý một công dân thì Nhà nước cần làm giấy gì. Hai cái đó làm sao phải gặp nhau”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng cho thấy rất nhiều nội dung cần được làm rõ. Do đó, dự án luật này cần được nghiên cứu thêm và giải trình cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, so với lần góp ý trước (tháng 11/2012), đến nay, những vấn đề đặt ra chưa giải quyết được nhiều. Do đó, ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Thường vụ Quốc hội lùi thời gian trình ra Quốc hội để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu giải quyết vướng mắc, làm rõ, vì theo dự kiến, năm 2016 luật mới có hiệu lực nên thời gian còn rất dài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Các cơ quan chưa thuyết minh, giải trình một cách thuyết phục với thường vụ. Do đó, các bên liên quan cần phải rà soát lại các vấn đề, khẳng định giữ hay bỏ loại giấy tờ gì để có lợi cho dân, xã hội, Nhà nước. Còn gần 3 năm nữa trong khi bao nhiêu vấn đề chưa rõ thì chưa cần phải đưa ra Quốc hội”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chưa trình dự án Luật Hộ tịch ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6./.

Theo vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast