Chương trình 135 góp phần quan trọng vào cải thiện hạ tầng, đời sống vùng khó khăn

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình chất vấn tại phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều nay (13/3), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử xoay quanh việc thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giải quyết vấn đề ma túy, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Tiến Dũng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Chương trình 135 góp phần quan trọng vào cải thiện hạ tầng, đời sống vùng khó khăn ảnh 1

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đăng đàn phiên chất vấn. Người đứng đầu Ủy ban Dân tộc khẳng định, chương trình 135 đã góp phần tích cực vào giảm tỷ lệ nghèo ở các vùng, miền đặc biệt khó khăn. Cụ thể, từ 55% (năm 2012) đến nay còn khoảng 45% (bình quân mỗi năm giảm 3,5%). Chương trình đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi, giảm nghèo nhanh, tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân vùng đặc biệt khó khăn.

Về thực trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh miền núi trong nhiều năm qua; việc đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do; tệ nạn ma túy và hủ tục, mê tín dị đoan trong đồng bào dân tộc thiểu số… cũng được Bộ trưởng giải đáp.

Người đứng đầu Ủy ban Dân tộc đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng đề án đổi tên Ủy ban Dân tộc thành Bộ Dân tộc theo Nghị định 84/2012/NĐ-CP bởi nhiệm kỳ 2011 - 2016 không còn cơ chế thành viên ủy ban với sự tham gia của các thành viên là Thứ trưởng các Bộ, ngành.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị cho phép triển khai xây dựng dự án Luật Dân tộc trong nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn trong ngày hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong những năm tới, ngành tòa án cùng các cơ quan tư pháp phải kiên quyết giảm oan, sai ngay từ khâu điều tra, truy tố, xét xử và hạn chế sai sót trong quá trình thi hành án nhằm thực thi công lý, thực hiện quyền con người đúng theo tinh thần của Hiến pháp; đồng thời, cần hoàn thiện thể chế, nhất là đối với các văn bản QPPL mới.

Đối với Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội nói chung. Ngoài ra, các Bộ, ngành phải phối hợp với các cơ quan của Chính phủ rà soát và xem xét lại chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi để đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast