Chuyển hóa các giá trị truyền thống vào mục tiêu dân sinh và phát triển

(Baohatinh.vn) - Giá trị của truyền thống lịch sử - văn hóa vừa hun đúc nên tình yêu, lòng tự hào, vừa là động lực để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 1.010 năm danh xưng Thạch Hà, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hà - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.

P.V: Thưa ông! Thạch Hà là huyện có lịch sử hình thành và phát triển trên nghìn năm. Qua nhiều lần biến động địa giới hành chính, đến nay, diện tích của huyện đã thu hẹp. Vậy, sự thu hẹp này có ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống hay không?

Ông Trần Việt Hà: Không. Các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống thường xuyên được bảo tồn, làm giàu và phát huy trong bối cảnh mới. Giá trị đó vừa là của Thạch Hà rộng lớn trước đây, vừa là của Thạch Hà với không gian cụ thể như bây giờ. Nhiều năm qua, hệ thống di tích văn hóa - lịch sử gắn với ký ức của cộng đồng được chú trọng phục hồi, tôn tạo và đưa vào khai thác; các hình thức tín ngưỡng của nhân dân được tôn trọng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần. Tính đến nay, toàn huyện có 68 di tích được xếp hạng, trong đó, có 6 di tích cấp quốc gia.

Chuyển hóa các giá trị truyền thống vào mục tiêu dân sinh và phát triển ảnh 1

Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - Trần Việt Hà ký bản ghi nhớ với ông Suparerk Srisaklekha - Giám đốc Công ty CP Công nghệ và Năng lượng Nakhon - Thái Lan.

Ở lĩnh vực đời sống văn hóa, giai đoạn 2010-2015, huyện đã xây dựng thêm 65 làng văn hóa, 86,03% gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức thường xuyên, thu hút rộng rãi người dân tham gia. Hầu hết các địa phương duy trì tốt các sinh hoạt này và đã trở thành một phần của đời sống ở làng quê. Các hình thức diễn xướng dân gian kết hợp với phát triển làng nghề như làm nón, đan lát, nghề rèn… được chú trọng phát huy, góp phần làm tươi mới những câu ví, giặm. Đặc biệt, người Thạch Hà luôn quan tâm và ưu tiên phát triển GD&ĐT, cả toàn diện và mũi nhọn. Nhiều người con Thạch Hà đậu đạt cao, giữ các trọng trách quan trọng trong công tác quản lý và nghiên cứu khoa học.

P.V: Phải chăng, việc phát huy giá trị truyền thống như ông vừa trao đổi chính là đã làm cho văn hóa trở thành động lực để phát triển?

Ông Trần Việt Hà: Thạch Hà trong những năm qua đã có nhiều thành tích nổi bật trong phát triển KT-XH. Nông nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư và có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là các đề án tái cấu trúc trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản... Về chăn nuôi, hướng chăn nuôi trang trại, gia trại, liên doanh, liên kết được đầu tư, phát triển. Toàn huyện có 16 cơ sở chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô 300-700 con/lứa, xây dựng một số trang trại chăn nuôi bò quy mô trên 100 con, gà trên 15.000 con...

Về trồng trọt, tổng sản lượng lương thực đạt 76.164 tấn; nhiều mô hình rau, củ, quả trên cát được nhân rộng; nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển khá mạnh mẽ. Tổng giá trị công nghiệp - xây dựng đạt 2.593 tỷ đồng. Hoạt động TM-DV phát triển khá nhanh, tổng giá trị đạt 2.658 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 260 tỷ đồng (năm 2015).

Chuyển hóa các giá trị truyền thống vào mục tiêu dân sinh và phát triển ảnh 2

Sôi nổi lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cửa Sót do xã Thạch Đỉnh tổ chức.

Những kết quả này cho thấy sức mạnh từ sự đồng thuận của nhân dân. Chính giá trị văn hóa nơi đây đã hun đúc nên tinh thần con người trong bối cảnh mới. Bởi vậy, ở Thạch Hà, nhiều phong trào sôi nổi xuất phát từ sức mạnh của nhân dân như: xây dựng nông thôn mới, xóa nhà tranh tre dột nát, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Những phong trào này đã tạo nên khí thế mới, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu KT-XH, QPAN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

P.V: Điều cốt yếu trong việc “ứng xử” với truyền thống, theo tôi hiểu là cùng với các giải pháp giữ gìn thì phải đưa các giá trị truyền thống vào mục tiêu dân sinh và phát triển. Đối với huyện, giải pháp của vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Việt Hà: Trên thực tế, Thạch Hà còn là huyện nghèo với nhiều khó khăn, vì thế, mục tiêu cao nhất là tạo sự chuyển biến tích cực về tình hình KT-XH. Bởi vậy, huyện đã xác định thu hút đầu tư là ưu tiên hàng đầu. Giai đoạn 2010-2015, huyện thu hút 35 dự án mới, trong đó, có 6 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, 12 dự án tiểu thủ công nghiệp, 17 dự án TM-DV, tổng vốn đăng ký trên 10.707 tỷ đồng.

Vừa qua, sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để phát triển toàn diện KT-XH. Tại hội nghị, đã có nhiều doanh nghiệp ký cam kết hợp tác. Cùng với thu hút đầu tư, huyện tranh thủ tối đa các nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng. Tổng nguồn vốn đầu tư trong 5 năm đạt 2.050,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường chỉ đạo phát triển kinh tế với trọng tâm là cụ thể hóa các đề án chăn nuôi, sản xuất gắn với tái cơ cấu các lĩnh vực.

Đây là những giải pháp cơ bản nhất tạo nên bức tranh tổng thể đa sắc màu, đồng thời, phát huy lợi thế từng vùng (trà sơn, đồng bằng, ven biển), từ đó, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Điều tôi muốn khẳng định là, việc triển khai các giải pháp về kinh tế là làm cho huyện phát triển, đời sống người dân được nâng lên, tạo nên những giá trị mới cho quê hương trên nghìn năm tuổi.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast