Citibank của Mỹ tài trợ vốn cho Tổ hợp Bôxít nhôm Lâm Đồng

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Mỹ, tối 12-4 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và ngân hàng Citibank (Mỹ) về tài trợ vốn cho dự án Tổ hợp Bôxít nhôm Lâm Đồng, lễ ký biên bản về hợp tác dài hạn giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với GE Oil&Gas.

Thống đốc bang Washington Chris Gregoire tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: TTXVN

Thống đốc bang Washington Chris Gregoire tiếp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: TTXVN

Theo đặc phái viên TTXVN, cùng ngày, Thủ tướng đã tiếp Hiệp hội Dệt may Mỹ và một số tập đoàn nhập khẩu lớn của Mỹ trên lĩnh vực này. Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng cảm ơn Hiệp hội đã hợp tác tốt với Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhiều năm qua đã góp phần đưa hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu ngày càng tăng sang thị trường Mỹ.

Đối với Việt Nam, điều này có ý nghĩa lớn về tạo việc làm cho lao động nghèo. Thủ tướng mong muốn Hiệp hội ủng hộ Việt Nam trong việc chống các rào cản thương mại và "cảnh báo sớm" cho Việt Nam về những nguy cơ này để cùng hợp tác.

Hoan nghênh các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước này đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, nhất là thủ tục hành chính và hạ tầng.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Mỹ cũng như các tập đoàn đều khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam, đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa… Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Target, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ, cho biết Việt Nam là đối tác đặc biệt trong quan hệ thương mại và họ mong muốn tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam.

Sáng 12-4 theo giờ Việt Nam (tối 11-4, giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Việt Nam đã đến Washington DC tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hoa Kỳ.

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay - Ảnh: Chinhphu.vn

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay - Ảnh: Chinhphu.vn

Ra sân bay đón đoàn, về phía Hoa kỳ có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, tư lệnh sân bay quân sự Andrew; phía Việt Nam có đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng và phu nhân.

Không kể các hội nghị trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) thì đây là hội nghị lớn nhất được tổ chức tại Mỹ sau hội nghị cấp cao về thành lập LHQ được tổ chức tại thành phố San Francisco thuộc bang California vào năm 1945.

Hội nghị cấp cao đầu tiên về an ninh hạt nhân lần này là dịp để các nước cùng thảo luận đề ra những định hướng, nguyên tắc lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh hạt nhân.

Trong hai ngày 12 và 13-4, tại Washington DC, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh tập trung thảo luận về các vấn đề: Mối đe dọa khủng bố hạt nhân; Hành động quốc gia nhằm bảo vệ vật liệu hạt nhân; Tăng cường vai trò của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế trong đảm bảo an ninh hạt nhân; Hành động quốc tế nhằm bảo vệ vật liệu hạt nhân.

Dự kiến lãnh đạo của hơn 40 nước sẽ tới dự hội nghị trong đó có các nước mạnh về hạt nhân như Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ... Trong khối ASEAN, Tổng thống Mỹ Obama đã mời lãnh đạo cấp cao các nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Kết quả mong đợi của hội nghị là sẽ đưa ra một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó cam kết sẽ áp dụng mức an ninh hạt nhân cao nhất và coi đây là vấn đề mấu chốt cho việc phát triển và mở rộng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Việt Nam đến thành phố Seattle, một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục hàng đầu của khu vực, thăm nhà máy sản xuất máy bay Boeing của Tập đoàn Boeing.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast