Còn mãi với thiên thu

(Baohatinh.vn) - Ngày 4/10 này, tròn 1 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của lòng dân đi xa, về với “thế giới người hiền” gặp Bác Hồ và các vị tiên liệt. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Tuy Đại tướng đi xa nhưng linh hồn Người vẫn còn mãi với đất nước, quê hương.

>> Bình yên An Xá

>> Về quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp

>> Tổ chức trọng thể Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

365 ngày qua, hàng triệu bước chân gần xa, từ Lạng Sơn đến Cà Mau, từ Lai Châu đến Tây Ninh đã tìm về địa chỉ Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi yên nghỉ nghìn thu của người con đất mẹ Quảng Bình. Nơi đó đã thành địa chỉ thiêng liêng trong lòng dân nước Việt với bao thành kính biết ơn dành cho vị tướng anh hùng của dân tộc anh hùng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 25/8/1911, tại làng quê An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), ông bà Võ Quang Nghiêm và Nguyễn Thị Kiên đã sinh ra một người con mà sau này với tài đức của mình đã làm nên trang sử đánh giặc của dân tộc thế kỷ XX. Ông Nghiêm là một nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước, bà Nguyễn Thị Kiên hiền lành, tảo tần nuôi con ăn học. Võ Nguyên Giáp có tư chất đặc biệt thông minh, lại chăm học và đọc sách. Thuở đi học trường làng, anh là học sinh giỏi nhất trường. Năm 15 tuổi, anh vào Huế học rồi sau đó đi hoạt động cách mạng. Thực dân Pháp biết ông Nghiêm là bố của Võ Nguyên Giáp đã bắt ông vào giam ở nhà lao Thừa Phủ Huế. Chúng đánh ông Nghiêm đến chết rồi mang xác đi thủ tiêu.

Mang nặng nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, căm hận kẻ thù, thấm thía nỗi đau mất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết tâm học hành và tích cực tham gia phong trào yêu nước ở Huế. Năm 1940, khi đang là giáo viên dạy Sử ở Trường Tư thục Thăng Long - Hà Nội, Võ Nguyên Giáp giã từ vợ con lên đường sang Côn Minh (Trung Quốc) cùng một nhóm người yêu nước gặp Nguyễn Ái Quốc.

Được Nguyễn Ái Quốc giáo dục, rèn luyện và giao nhiệm vụ, sau này về nước, ông đã nhanh chóng trở thành vị tướng tài giỏi, biết thu phục nhân tâm, luôn lấy tư tưởng nhân văn của dân tộc soi rọi vào cách cầm quân đánh giặc, mang lại thắng lợi giòn giã. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, chân lý “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” cùng với truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biến thành sức mạnh thực tiễn, đánh tan vũ khí tối tân và lực lượng hùng hậu của kẻ thù. Trang sử vàng của dân tộc ở thế kỷ XX đã được đánh dấu bởi tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Còn mãi với thiên thu ảnh 2
Người dân cả nước tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Là người Việt Nam, không ai không kính yêu, ngưỡng mộ, biết ơn Bác Hồ, Bác Giáp và các vị anh hùng dân tộc. Cách đây một năm, cả dân tộc đã nghiêng mình rơi lệ tiễn biệt vị tướng tài danh. Nhưng trên cả nước mắt là niềm xúc động, tự hào. Biết bao lời hay, ý đẹp đã được các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa và cả những người dân bình thường dành cho người chỉ huy tài ba của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người đã được Bác Hồ giáo dục, rèn luyện và tin tưởng giao nhiệm vụ. Giáo sư Vũ Khiêu viết: “Võ công truyền quốc sử, Văn đức quán nhân tâm”. Nhà giáo Hồ Cơ viết: “Trăm tuổi lừng danh Văn Đại tướng/ Nghìn thu vang tiếng Võ Anh hùng”. Trước đó, nhân Đại tướng thượng thọ 90, Hồ Cơ đã viết câu đối nổi tiếng: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.

Trong 10 ngày, từ khi Đại tướng trút hơi thở cuối cùng vào lúc 17h ngày 4/10 đến ngày cử hành tang lễ 13/10, từ các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ, các bộ, ban ngành, lãnh đạo các tỉnh, địa phương đến những cụ già, em nhỏ, dân thường hàng ngày tất bật mưu sinh, đặc biệt là những cựu chiến binh và đông đảo học sinh, sinh viên, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đã bằng mọi cách thể hiện lòng kính trọng, thương tiếc đối với Đại tướng. Cả đất nước để tang và đưa tang, báo chí liên tục đưa tin những giây phút cuối cùng tiễn đưa người con trung hiếu về đất mẹ.

Còn mãi với thiên thu ảnh 3
Người dân Thủ đô Hà Nội đưa tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Quãng đường gần 20 km trên quốc lộ 1A từ Quảng Trạch đến phía Nam Đèo Ngang bị tắc nghẽn hàng tiếng đồng hồ. Dẫu Đài Truyền hình Việt Nam đã truyền hình trực tiếp lễ an táng và dẫu xung quanh khu vực lễ tang đã rào chắn với lực lượng bảo vệ dày đặc, nhưng già trẻ, gái trai, tấm bé, thanh niên, phụ nữ... cơm đùm, cơm gói vẫn vượt núi, rẽ cây tìm vào bằng được để chứng kiến tang lễ. Nhiều người dân Hà Tĩnh cũng vượt núi vào tận nơi để mong cắm lên mộ Đại tướng một nhành hoa.

Một năm trôi qua, đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài về thăm quê lại nối nhau vào thăm khu mộ Đại tướng. Đó là địa chỉ dừng chân quan trọng trong hành trình của hàng nghìn đoàn xe. Dòng người cứ nối tiếp nhau, không ngừng, không nghỉ, như sóng biển Đông lớp lớp nối nhau. Đó là sự tiếp nối của niềm tự hào dân tộc, của ân nghĩa cháu con với các vị khai quốc công thần. Nhân dân ngưỡng mộ và tri ân những người đã đóng góp sức lực, trí tuệ, tài năng và tâm huyết cho đất nước. Nghĩa cử tri ân ấy truyền sang thế hệ măng non, trở thành sức mạnh tinh thần để cả dân tộc quyết tâm hoàn thành trách nhiệm dựng xây đất nước mạnh giàu.

Tháng 10 lại về. Cả nước bồi hồi xúc động kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ đi xa, 60 năm giải phóng Thủ đô và 1 năm ngày giỗ Bác Giáp. Trong khí thiêng sông núi mùa thu, tưởng như có bóng dáng của lãnh tụ kính yêu và người học trò xuất sắc của Bác cũng như các anh hùng liệt sĩ đang hiện lên giữa bầu trời, sông biển, núi non, làng mạc. Bác Hồ, Bác Giáp đã trở thành tài sản tinh thần to lớn, sức mạnh nội sinh của cả dân tộc hôm qua, hôm nay và mai sau. Đất nước yên bình, lòng dân nước Việt còn mãi kính yêu, linh hồn Bác Hồ, Bác Giáp và các anh hùng liệt sỹ cũng sẽ còn mãi với thiên thu...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast