Công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến điều chỉnh địa giới ở Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về một số chủ trương, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thực hiện Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13, ngày 10/4/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 6 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến điều chỉnh địa giới ở Kỳ Anh ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự chủ trì hội nghị nghe và cho ý kiến về việc xây dựng bộ máy để thành lập thị xã Kỳ Anh, tổ chức ngày 27/4 vừa qua.

Sau khi nghe Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo một số quan điểm, nguyên tắc định hướng về tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất kết luận:

1. Về nguyên tắc tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị của huyện mới Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh: Đảm bảo quy trình chặt chẽ, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nguyên tắc giảm đầu mối, giảm biên chế và giảm cấp phó theo Nghị quyết số 39-NQ/T.Ư, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, biên chế cán bộ, công chức trong tổng biên chế được giao, không làm tăng biên chế chung của tỉnh; trước mắt bố trí từ 50% đến dưới 58% biên chế so với quy định hiện hành.

Cán bộ, công chức của huyện mới Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh sau khi thành lập được bố trí từ nguồn cán bộ của huyện Kỳ Anh hiện có và điều động một số cán bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, trong đó, ưu tiên con em của huyện mới Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.

2. Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Anh: Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh là nhu cầu tất yếu, khách quan, đáp ứng sự phát triển của KKT Vũng Áng trước mắt và cả trong tương lai. Công bố công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, các thông tin liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để người dân tham gia giám sát và tổ chức thực hiện. Kịp thời phát hiện, uốn nắn những biểu hiện sai trái trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh; đấu tranh, phản bác những tư tưởng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Kể từ nay đến khi các cơ quan trong hệ thống chính trị của huyện mới Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đi vào hoạt động, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Anh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn dừng việc tuyển dụng, hợp đồng, thuyên chuyển, điều động, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo phân cấp quản lý; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp đất, cho thuê đất...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ ngân sách, tài sản của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, các hội, các tổ chức; nghiêm cấm các tập thể, cá nhân lợi dụng để vi phạm pháp luật, làm thất thoát ngân sách, tài sản, điều chuyển tài sản trong giai đoạn chuyển giao bộ máy các cơ quan, đơn vị (kể từ nay cho đến khi bộ máy của thị xã và huyện mới Kỳ Anh bắt đầu hoạt động).

Giám sát chặt chẽ việc ban hành, xử lý văn bản đi, đến của các cơ quan, nhất là ở cơ quan Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng HĐND và UBND huyện, các cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; quản lý chặt chẽ con dấu của các cơ quan, đơn vị, đề phòng những trường hợp sử dụng con dấu để làm những việc phi pháp.

Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh là nhu cầu tất yếu, khách quan, đáp ứng sự phát triển của KKT Vũng Áng trước mắt và cả trong tương lai. Ảnh: Sỹ Ngọ

Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh là nhu cầu tất yếu, khách quan, đáp ứng sự phát triển của KKT Vũng Áng trước mắt và cả trong tương lai. Ảnh: Sỹ Ngọ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; duy trì ổn định hoạt động của các cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung chỉ đạo công tác bồi thường, tái định cơ, giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đảm bảo tiến độ. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển đô thị với xây dựng NTM, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực với quy mô lớn.

Chỉ đạo các đảng bộ xã, phường thuộc thị xã Kỳ Anh chỉ được tiến hành đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 sau khi thành lập Đảng bộ thị xã Kỳ Anh và hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ thị xã.

Giao Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Kỳ Anh kiểm tra và kiên quyết xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân tự xây dựng, cơi nới trái phép các công trình trên các khu vực đã quy hoạch.

3. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan của hệ thống chính trị 2 địa phương, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2015 (dự kiến tổ chức vào ngày 8/5/2015).

4. UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập thị xã Kỳ Anh đẩy mạnh công tác tuyên truyền và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13, ngày 10/4/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản liên quan; đồng thời, tiếp tục tham mưu và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết.

Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính (chủ trì), phối hợp với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kỳ Anh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm kê, đánh giá nguồn tài sản đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Kỳ Anh; đồng thời, chỉ đạo quản lý chặt chẽ, không để thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước trước, trong và sau thời gian thực hiện Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ quy hoạch Trung tâm Hành chính huyện mới Kỳ Anh; đồng thời, xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500, 1/2.000 để sớm triển khai xây dựng trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của huyện, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, mỹ quan đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trước mắt và tương lai; chủ trì kiểm tra, xử lý và đề nghị xử lý các vi phạm về quy hoạch, xây dựng trái phép, kể cả khâu cấp phép xây dựng và tự cơi nới.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương triển khai dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh tại xã Kỳ Đồng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện Kỳ Anh tập trung chỉ đạo duy trì ổn định các hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập tại các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Anh đến hết năm học 2014-2015.

Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tiến hành quy trình, thủ tục trình cấp có thẩm quyền để thành lập đơn vị trực thuộc, hoàn thành trước ngày 1/6/2015.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trên địa bàn huyện Kỳ Anh thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, giữ vững an ninh chính trị, TTATXH, ATGT trên địa bàn.

Các sở, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi chia sẻ, giúp đỡ huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

5. Đảng đoàn, HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nội dung trên, thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast