Đại biểu truy trách nhiệm, Bộ trưởng KH&ĐT: ‘Khó tìm địa chỉ'

Rất ít người nhận trách nhiệm, có nhận nhưng chung chung, khó tìm ra địa chỉ cụ thể.

Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết điều này sáng nay (19/11) khi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) và Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) về trách nhiệm của cá nhân, bộ, ngành để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu trước Quốc hội sáng 19/11

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu trước Quốc hội sáng 19/11

Chưa thỏa đáng với câu trả lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Đại biểu Đỗ Thành Tâm và Đỗ Văn Đương tiếp tục “truy” việc xem xét trách nhiệm cơ quan, cá nhân liên quan khi ra quyết định đầu tư mà để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

“Nguyên nhân đó chúng ta đã tính đến hay chưa và xử lý như thế nào để khắc phục tình hình và cũng là điều để khẳng định kỷ cương, kỷ luật ngân sách mà chúng ta đã nói nhiều mà không được chấp hành nghiêm” – đại biểu Thành Tâm nói.

Còn Đại biểu Đỗ Văn Đương nhắc lại phần câu hỏi của mình đã gửi tới Bộ trưởng tại kỳ họp thứ 3. “Có bao nhiêu công trình dự án đầu tư không hiệu quả và dự án đầu tư lãng phí không sử dụng được, gây thiệt hại bao nhiêu nghìn tỷ đồng, diễn ra chủ yếu ở đâu và trầm trọng nhất từ khi nào kể từ năm 2000 đến nay. Ở đây, không phải chỉ những công trình, dự án mà Bộ KH-ĐT cấp phép mà với trách nhiệm quản lý Nhà nước phải tổng rà soát ở các địa phương để báo cáo, đánh giá tình hình, để có cơ sở thực tiễn xây dựng Luật đầu tư công”.

Trả lời hai câu hỏi này, Bộ trưởng thừa nhận: “Hai câu hỏi này đều rất khó. Câu hỏi thứ nhất là bao nhiêu công trình không hiệu quả, lãng phí… thì khó xác định. Một vài cái dở dang, bỏ hẳn thì dễ, còn lại thì khó đánh giá tiêu chí này. Và ở đâu, thất thoát bao nhiêu nghìn tỷ… cũng là con số khó”.

Theo Bộ trưởng, chúng ta có một đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về trái phiếu Chính phủ và đã được báo cáo tại kỳ họp thứ 5. Thường phải thanh tra sâu thì mới có số liệu báo cáo của từng dự án. Chúng tôi sẽ làm việc này nhưng chắc chắn là phải có thời gian và không dễ. Bởi có những công trình vẫn vận hành nhưng không hiệu quả, nhưng mức độ hiệu quả đến đâu phải lấy kết quả thanh tra, kiểm tra do các Bộ, địa phương cung cấp.

Về câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thành Tâm, Bộ trưởng cho biết: Bộ KH-ĐT được Chính phủ giao thống kê toàn bộ vốn nợ đọng xây dựng cơ bản và đã gửi tới đại biểu Quốc hội.

“Còn chuyện trách nhiệm ấy thuộc về ai và cấp nào? Tôi chỉ nói rằng, giám sát tối cao của Quốc hội về trái phiếu Chính phủ từ năm 2006-2010 đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 5 và hôm nay chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, chúng tôi là cơ quan tổng hợp kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, các ngành về việc quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ chưa hiệu quả. Trong tài liệu gửi đại biểu Quốc hội có các báo cáo kiểm điểm của các địa phương, các bộ thì rất ít người nhận trách nhiệm, có nhận nhưng chung chung, khó chỉ ra địa chỉ cụ thể” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định rằng: Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm gây lãng phí của từng cấp từ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương... Còn nói chung cho nợ đọng xây dựng cơ bản thì có nhiều lý do, đó là chúng ta đã quyết định đầu tư công trình mà không căn cứ vào nguồn lực, mà việc này có cả cấp trung ương và địa phương. Thứ hai, chúng ta không làm kế hoạch 5 năm mà làm từng năm, địa phương quyết định còn trung ương thì chạy theo để bố trí vốn và cuối cùng bố trí không nổi thì trở thành dàn trải. Và như vậy là trách nhiệm thuộc về người quyết định.

Nợ đọng xây dựng cơ bản giảm còn 43.000 tỷ đồng

Trước đó, Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) yêu cầu Bộ trưởng KH-ĐT báo cáo nợ đọng xây dựng cơ bản. Tại kỳ họp này, tôi đã ký và gửi đến Quốc hội thống kê chính thức từ các địa phương đưa lên.

Bộ trưởng cho biết: Nợ đọng xây dựng cơ bản luôn thay đổi. Nợ có mấy loại: Nợ trong kế hoạch của Nhà nước – Nhà nước trong những năm trước đây ghi kế hoạch cho các địa phương được xây dựng công trình này, từng này tiền. Nhưng thường họ cho xây dựng vượt quá khối lượng cho DN ứng trước làm với khối lượng lớn hơn và để nợ đọng không có tiền thanh toán. Loại nợ này được tính trong nợ của các công trình ghi kế hoạch. NN chịu trách nhiệm về các dự án trung ương ghi kế hoạch

Loại thứ hai, thuộc ngân sách địa phương tự bố trí khi cân đối ngân sách và địa phương có trách nhiệm trả nợ.

“Báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội bao gồm cả hai loại nợ này” – Bộ trưởng giải thích thêm.

Số liệu báo cáo của Bộ Tài chính và các bộ khác tại các kỳ họp trước đây là khoảng 85.000 tỷ, cũng có số lượng gần 100.000 tỷ, con số này luôn thay đổi.

Đến hôm nay, Bộ trưởng cho biết, theo văn bản gửi tới đại biểu Quốc hội, con số này chỉ còn 43.000 tỷ. Đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Sau chỉ thị 1792 ban hành cuối năm 2011, yêu cầu các cấp có thẩm quyền không được ký dự án khi không cân đối được nguồn vốn và phải chịu trách nhiệm về việc này.

Thứ hai, có chế tài tất cả dự án khởi công mới phải được thẩm định (do cơ quan tài chính và kế hoạch đầu tư các cấp giúp thẩm định) có đủ tiền thì mới được trình ký quyết định.

Hàng năm, Chính phủ trình Quốc hội trong thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư thì ưu tiên thứ nhất là cho các công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng mà thiếu vốn phải được thanh toán sớm. Vì chúng tôi ý thức được rằng, nợ xây dựng cơ bản gây nhiều tác hại, thứ nhất là DN gặp khó khăn, thứ hai là liên đới đến nợ xấu ngân hàng.

Trong thời gian ngắn, Bộ KH-ĐT đã tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792. “Các đoàn kiểm tra, đánh giá của Quốc hội đánh giá là có bước chuyển mạnh mẽ, tỷ lệ dự án mới khởi công rất thấp so với trước đây. Nợ đọng từ 85.000 tỷ đồng nằm trong danh mục kế hoạch đã giảm xuống còn 43.000 tỷ đồng. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm với các công trình nằm trong kế hoạch, nếu cứ chạy theo địa phương thanh toán những khoản họ tự làm thì các địa phương khác sẽ làm theo” – Bộ trưởng lưu ý.

Đến 2015 sẽ khống chế cơ bản nợ đọng xây dựng

Theo qui định của Luật Ngân sách, chỉ được ứng trước 30% vốn tổng mức đầu tư của địa phương. Vì thế, con số nợ này nằm trong khoảng 30% là an toàn. Hàng năm, chúng ta bố trí kế hoạch khoảng 170.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước. “Nếu số nợ của các địa phương khoảng 50.000-60.000 tỷ là mức bình thường vì còn luân chuyển để trả nợ. Đến 2015 chúng ta sẽ cơ bản khống chế được toàn bộ nợ xây dựng cơ bản trong kế hoạch Nhà nước. Còn việc vay ứng, cho DN tự làm ngoài kế hoạch, vốn địa phương… thì cũng khó nắm bắt.

Về tham mưu cho Chính phủ để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, ngay từ nhiệm kỳ Bộ KH-ĐT đã soạn thảo Chỉ thị 1792, được Thủ tướng và các Bộ, ngành thông qua. Hiện các bộ, ngành, địa phương tuân thủ tốt, nợ đọng xây dựng cơ bản đang giảm nhanh và nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Bộ trưởng cũng cho rằng, từ khi văn bản 1792 ra đời, việc quản lý và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản ngày càng đi vào nề nếp. Đồng thời, Chính phủ có kế hoạch phân bố trái phiếu chính phủ cho danh mục công trình đến 2015.

Về vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ KH-ĐT mạnh dạn đề xuất cho tập trung vào từng chương trình và nhiệm kỳ tới chỉ còn 2-3 chương trình.

“Tới đây, chúng tôi sẽ trình tiếp việc quản lý chặt nguồn ODA, rà soát để thẩm định chặt chẽ hơn” – Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, Luật đầu tư công nếu được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chắc rằng, nhiệm kỳ 2016-2020 vấn đề quản lý vốn ngân sách Nhà nước và tất cả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước sẽ được quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn, mang lại tác động tích cực cho đất nước./.

Vũ Hạnh/VOV online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast