“Đất thép” Củ Chi chuyển mình

(Baohatinh.vn) - Mỗi người dân Việt Nam chắc hẳn đã từng nghe đến Củ Chi, vùng đất được mệnh danh "đất thép thành đồng". Củ Chi đã ghi dấu những chiến tích hào hùng của dân tộc về tinh thần quả cảm, ý chí anh dũng, quật cường của những người con đất Việt. 40 năm sau ngày giải phóng, những bàn tay một thời chỉ quen cầm súng, cầm đao đánh giặc, nay bằng khối óc và niềm tin đã tạo nên những kỳ tích mới trong cuộc chiến chống đói nghèo.

>> Bình Định khơi dậy hào khí Quang Trung

“Đất thép thành đồng!”

Củ Chi là huyện ngoại thành, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 60 km về phía Tây Bắc. Nói về sự ác liệt của chiến tranh trên vùng đất này, thế hệ sau khó có thể hình dung hết. Đặc biệt, từ năm 1965, khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào Việt Nam, cả một vùng rộng lớn từ Củ Chi xuống tận Hóc Môn bây giờ được xem là “tọa độ hủy diệt”, không còn một cây cỏ nào sống nổi, thế nên, cả vùng này được gọi là "vùng trắng".

Thiên nhiên, khí chất con người Củ Chi tạo nên những kỳ tích anh hùng trong chiến tranh chống kẻ thù. Từ cây tầm vông được cắt gọt tinh xảo thành chông, mũi tên tẩm thuốc, súng, mìn tự tạo... đều gây ra nỗi kinh hoàng cho kẻ thù. Với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”, bộ đội, dân quân, du kích, cơ quan dân chính Đảng cùng với nhân dân ra sức thi đua đào địa đạo, chiến hào, công sự suốt ngày đêm, tích cực xây dựng “xã, ấp chiến đấu”, thiết lập “vành đai diệt Mỹ” thành thế trận vững chắc bao vây, tiến công tiêu hao, tiêu diệt kẻ thù.

“Đất thép” Củ Chi chuyển mình ảnh 1

Khí chất con người Củ Chi tạo nên những kỳ tích anh hùng trong chiến tranh chống kẻ thù. (Ảnh: TTXVN)

Quân và dân Củ Chi đã xây dựng địa đạo nằm sâu trong lòng đất thành một hệ thống phòng thủ, là biểu tượng đặc trưng cho nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, một kỳ quan độc nhất vô nhị dài 250 km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, được làm nên từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất. Ðường hầm sâu dưới đất từ 3-8m, chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường "xương sống" tỏa ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng 1 cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép dùng để chiến đấu.

Tầng 2 cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ, dùng làm nơi nghỉ ngơi cho thương binh, người già và trẻ em. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m, hết sức an toàn. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên ngụy trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, bếp Hoàng Cầm, hầm chỉ huy, hầm giải phẫu và cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, ngụy trang khéo léo để xem phim, văn nghệ.

Giặc Mỹ dùng bom tấn, bom khoan, chất nổ, máy bơm nước làm ngập địa đạo rồi châm điện... nhưng không hiệu quả. Chúng thành lập “đội chuột cống”, trang bị mặt nạ phòng độc, đèn pin, máy thổi thuốc độc, thuốc chống sâu bọ cùng các vũ khí chuyên dùng đánh dưới địa đạo như súng ngắn hãm thanh, lưỡi lê, dụng cụ đào hầm… Ngoài xe tăng hạng nặng, chúng huy động xe cạp, ủi đất hòng “bóc vỏ trái đất”. Chúng muốn diệt quân chủ lực và lãnh đạo đầu não Sài Gòn Gia Định, chúng còn muốn hủy diệt mọi sự sống, hủy diệt môi sinh, hòng làm cho Củ Chi trở thành “vùng đất chết”. Thế nhưng, dựa vào hệ thống đường hầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ.

Ngày nay, địa đạo Củ Chi trở thành điểm du lịch hấp dẫn của TP Hồ Chí Minh. Du khách có thể tự mình chui xuống hầm để trải nghiệm cuộc sống của người dân những năm kháng chiến, từ đó có thể hiểu được vì sao nước Việt Nam bé nhỏ lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất thế giới. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, nhân dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt, xứng danh “đất thép thành đồng”.

“Thủ đô” của nông nghiệp công nghệ cao

Cách đây khoảng 10 năm, chủ trương xây dựng nông thôn mới về với Củ Chi như một luồng gió mát thổi bùng lên bầu nhiệt huyết của người dân đất thép. Đặc biệt, từ tháng 7/2004, TP Hồ Chí Minh đã quyết định xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi tổng diện tích 88,17 ha, tổng mức đầu tư 152,627 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, tạo ra cơ hội có một không hai cho đất thép Củ Chi chuyển mình nhanh chóng.

“Đất thép” Củ Chi chuyển mình ảnh 2

Du khách tham quan địa đạo Củ Chi

Thạc sỹ Đinh Minh Hiệp - Trưởng BQL Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ năm 2010 đến nay, Khu Nông nghiệp công nghệ cao đã cung cấp cho thị trường 59,5 tấn hạt giống F1 chất lượng cao các loại, 8.097 tấn thành phẩm (nấm rơm, dưa leo, dưa lưới), 11.438 lít chế phẩm sinh học. Đến nay, đơn vị đã thu hút 14 dự án đầu tư với số vốn gần 200 tỷ đồng, đã hoàn thiện 5 mô hình trình diễn (rau ăn lá, dưa lưới, hoa lan, ớt, cây ăn trái) ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn...

Hôm nay, về Củ Chi, chúng tôi cảm nhận nhiều cái mới. Những người nông dân đã mạnh dạn tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại để thoát khỏi đói nghèo. Sau nhiều năm thực hiện và được chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, nhiều hộ nông dân đã phát huy lợi thế khi ứng dụng hiệu quả nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng từ lúa sang rau, hoa lan; từ lợn sang nuôi bò, trăn, cá sấu...

Ông Trần Văn Lập - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Trung cho biết: Phong trào chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho hàng trăm hộ nông dân. Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng có số vốn đủ lớn để có thể chuyển đổi sang nuôi bò sữa. Vài năm trở lại đây, phong trào trồng hoa lan cắt cành được đông đảo bà con trong vùng tập trung phát triển. Gia đình ông Nguyễn Việt Hoàn (ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung) có hơn 1 ha đất, trước đây chuyên canh tác lúa nhưng không có lãi. Từ khi phát triển mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành, cho thu nhập cao trên diện tích hơn 2.000 m2, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên trăm triệu đồng.

Ông Lê Minh Tấn - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi tâm sự: “TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình đa chức năng, gắn nghiên cứu, trình diễn, chuyển giao công nghệ với việc tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái, đồng thời, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Nhờ đó, từ một vùng nông nghiệp nghèo khó và nhiều tàn dư chiến tranh, sau chưa đầy một thập kỷ ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, Củ Chi đã chuyển mình mạnh mẽ với những điểm nhấn về xây dựng nông thôn mới. Kinh tế huyện Củ Chi giai đoạn 2010-2014 tăng trưởng cao, bình quân đạt 18,83% năm, vượt 0,3% so với chỉ tiêu nghị quyết. Đến nay, 20/20 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Có được điều này, xuất phát từ truyền thống cách mạng, lấy tinh thần cách mạng để cùng chung tay xây dựng quê hương - vùng đất thép Củ Chi anh hùng.

TP Hồ Chí Minh, tháng 4/2015

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast