Đẩy mạnh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng trọng điểm

Ngày 28/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 8. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp.

Đẩy mạnh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng trọng điểm ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nêu rõ: Từ sau Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được triển khai tích cực trên các mặt.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường, nhất là trong việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc phòng chống tham nhũng, chỉ đạo giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp...

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, nâng cao chất lượng cán bộ được tuyển dụng và hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tích cực thực hiện như công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức; cải cách hành chính và đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; minh bạch tài sản, thu nhập.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, số người đã kê khai tài sản thu nhập trong năm 2014 là trên 995.380 người, đạt 99,6% so với số người phải kê khai.

Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng được tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm 2015, qua hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, đã thi hành kỷ luật 366 trường hợp có liên quan đến tham nhũng, cố ý làm trái.

Toàn ngành thanh tra đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 268.251 tổ chức, cá nhân; qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 11.298 tỷ đồng, 589ha đất.

Ngành cũng kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.593 tỷ đồng và 514ha đất, xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân, ban hành 106.562 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân số tiền 1830 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý 20 vụ, 76 đối tượng...

Việc xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đạt nhiều kết quả tích cực. Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng ngày càng tăng. Hoạt động của Ban Chỉ đạo và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đạt những kết quả tích cực, nhất là việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo; tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội tại các địa phương.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung cho ý kiến, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2015. Cụ thể là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng. Các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, cung cấp thông tin về phòng chống tham nhũng cho các cơ quan báo chí.

Ban Chỉ đạo xác định cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội về phòng ngừa tham nhũng, các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng; tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Ban chỉ đạo tập trung hoàn thành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại 4 bộ, 10 địa phương, Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo trong 2 năm 2013 và 2014, Hướng dẫn số 06 về tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương; hoàn thành Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”, Đề án Sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng, sự quyết tâm, thống nhất cao của các cấp, các ngành, đã cùng vào cuộc, triển khai bài bản, nghiêm túc các nội dung kết luận tại Phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng; việc thường xuyên đôn đốc nhắc nhở, tổ chức triển khai quyết liệt đã mang lại kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.

Tổng Bí thư nêu rõ kết quả nổi bật là đã có sự chuyển biến tích cực trên nhiều khâu, nhiều việc, thúc đẩy hơn việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng luật pháp, cơ chế chính sách, quy chế làm việc.

Khâu kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy công việc theo chức năng của Ban Chỉ đạo rất rõ, có tác dụng tốt, cả các cơ quan trung ương, lãnh đạo các địa phương. Qua kiểm tra chỉ ra những khâu còn vướng mắc, khó khăn để kịp thời tháo gỡ, đôn đốc chỉ đạo xử lý, như khâu giám định, sự phối hợp giữa các cơ quan điều tra, việc giảm án treo, tham nhũng vặt, thu hồi tài sản…

Ban Chỉ đạo không can thiệp vào công việc của các cơ quan chức năng, mà giám sát, kiểm tra, đôn đốc. Vừa qua, việc xử lý một số vụ án lớn, phức tạp, nghiêm trọng được thúc đẩy nhanh hơn, có tác dụng ngăn ngừa, răn đe, tuy nhiên cần tiếp tục làm kiên quyết, kiên trì, mạnh mẽ hơn, phối hợp tốt hơn để đạt hiệu quả cao hơn nữa. Trên cơ sở đánh giá thực tế các mặt công tác của Ban Chỉ đạo thời gian qua, để nhìn rõ những tồn tại hạn chế cần khắc phục, từ đó rút ra kinh nghiệm hoạt động trong thời gian tới.

Về các công việc cần làm tiếp trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cần tiếp tục đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án trọng điểm, tăng cường khâu giám định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng, kinh tế...

Việc kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”, cần lấy ý kiến các cơ quan chức năng, bảo đảm phù hợp với các nghị quyết, chủ trương của Trung ương, luật pháp đã có, không được trái với Hiến pháp, trong phạm vi là phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo xem xét và đề nghị ban hành.

Các thành viên nhất trí cao về việc sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo, cho rằng cần có cách làm bài bản hơn, qua đó thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt hơn, thúc đẩy các địa phương làm ráo riết, quyết liệt hơn, nhất là những địa bàn trọng điểm, các các cơ quan, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng.

Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường cơ chế phối hợp; nhấn mạnh khâu thi hành luật pháp, có luật rồi nhưng cần bảo đảm thực hiện nghiêm; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về luật pháp, chính sách, về hoạt động phòng chống tham nhũng của các cấp, các ngành và những kết quả đạt được./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast