Để các quy định của Hiến pháp được thực thi kịp thời, sâu rộng

(Baohatinh.vn) - Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014, là văn kiện đặc biệt quan trọng, phản ánh ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để việc triển khai Hiến pháp có hiệu quả, chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và thống nhất, kịp thời đến với mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, LLVT và nhân dân trong toàn tỉnh, trong những ngày đầu năm 2014, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị cốt cán để triển khai công tác tuyên truyền Hiến pháp. Đó là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nói riêng trong năm 2014. Đây cũng được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành, thực thi Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, nhân dân; bảo đảm các quy định của Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Việc triển khai tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp được xếp vào việc “cần làm ngay”, của các cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị, đoàn thể. Để mỗi công dân trong tỉnh nắm bắt, hiểu được các quy định của Hiến pháp, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, trước hết phải đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương; các báo cáo viên cấp ủy; báo cáo viên pháp luật; sự cộng tác đắc lực của phóng viên, báo, đài, các tuyên truyền viên pháp luật trong toàn tỉnh.

Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng cần phải đa dạng hóa. Các cơ quan, đơn vị, LLVT, trường học và các địa phương căn cứ vào từng loại đối tượng và điều kiện cụ thể để lựa chọn hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến phù hợp, đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trong đó, cần áp dụng các hình thức như: tổ chức hội nghị triển khai cho đội ngũ cốt cán, đội ngũ làm công tác tuyên truyền để làm nòng cốt; tuyên truyền trong các buổi chào cờ đầu tháng, sinh hoạt “Ngày pháp luật” hàng tháng; tổ chức hội thi sân khấu hóa, cuộc thi tìm hiểu “Những điểm mới của Hiến pháp 2013”; tuyên truyền thông qua trang thông tin điện tử, Moffice, bản tin của ngành; lồng ghép phổ biến thông qua các cuộc họp cơ quan, đơn vị, đoàn thể, thôn xóm, khối phố; thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ… Đây là một trong những hình thức tuyên truyền được áp dụng nhiều nhất và có hiệu quả cao ở các xã, phường, thị trấn từ trước tới nay.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và tạo điều kiện để các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tốt việc thi hành Hiến pháp, đồng thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức thi hành Hiến pháp. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật để phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

2014 là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai thực hiện Hiến pháp sửa đổi. Để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về Hiến pháp và ý thức chấp hành Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi cấp ủy, lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đơn vị, đoàn thể, địa phương cần tăng cường và ưu tiên về nhân lực, nguồn lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Hiến pháp nói riêng. Có như vậy, các quy định của Hiến pháp và pháp luật mới được thực thi kịp thời, sâu rộng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast