Để Hiến pháp sửa đổi thực sự là đạo luật cơ bản

(Baohatinh.vn) - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là thông qua việc sửa đổi Hiến pháp với số phiếu tán thành hơn 97%.

Thời sự và suy nghĩ

Đạt được kết quả này là nhờ cả một quá trình chuẩn bị, xây dựng rất công phu, nghiêm túc của các cơ quan nhà nước cùng với sự tham gia góp ý của đông đảo trí thức, người dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài.

Tất cả đều đồng nhất một tiếng nói, một ý chí để văn bản mang tính pháp lý quan trọng bậc nhất này khi đi vào cuộc sống sẽ có hiệu lực lớn, thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp. Ảnh: VOV.vn
Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp. Ảnh: VOV.vn

Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Đại hội Đảng lần thứ XI đặt ra như một nhiệm vụ chính trị quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các đòi hỏi, yêu cầu mới từ thực tiễn của đất nước và những biến động của thế giới hiện nay. Bản Hiến pháp sửa đổi tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đảm bảo tốt hơn về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, vừa ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa chủ động hội nhập quốc tế.

Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm thực hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trước những đòi hỏi của sự phát triển đất nước và thể hiện được quyền của nhân dân tham gia xây dựng và quản lý đất nước. Yêu cầu của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đặt ra là: tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy tính dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, đảm bảo để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.

Với 11 chương và 120 điều, việc sửa đổi lần này đã có những đổi mới quan trọng so với Hiến pháp năm 1992 cả về nội dung các quy định và kỹ thuật lập hiến. Từ những đổi mới đó, sau khi Hiến pháp sửa đổi chính thức có hiệu lực, hy vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn trong đời sống chính trị của đất nước.

Tuy nhiên, dù là đạo luật cơ bản ai cũng biết, ai cũng hiểu, nhưng khi Hiến pháp đi vào cuộc sống, muốn phát huy tốt tác dụng thì cần phải có một hệ thống văn bản luật và dưới luật thực sự đồng bộ, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Các quy định của Hiến pháp sẽ chỉ là quy định “treo” nếu không được luật hóa một cách chính xác, cụ thể. Điều mà các chuyên gia pháp luật lo ngại nhất trong việc thực thi Hiến pháp là tình trạng “treo” các quy định trong Hiến pháp, không thể triển khai trong thực tiễn và tình trạng luật giải thích không đúng Hiến pháp, thậm chí vi phạm Hiến pháp.

Chính vì thế, để Hiến pháp sửa đổi lần này thực sự phát huy được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân với những chiến lược, mục tiêu, kế hoạch đã đề ra thì các cơ quan nhà nước và đặc biệt Quốc hội còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc đồng bộ hóa và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, loại bỏ mọi hiện tượng lạm quyền, vi hiến trong các đạo luật đã ban hành và các dự án luật trong kế hoạch. Mặt khác, phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền hơn nữa để mọi người nắm vững các nội dung của Hiến pháp và tự giác thực hiện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast