Đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố

Việc thành lập này sẽ giúp cho hoạt động phòng, chống khủng bố được thực hiện thuờng xuyên và quy củ hơn.

Để đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cũng như cuộc sống bình yên của nhân dân, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII này, Quốc hội đặc biệt quan tâm tới dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố

Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày tại Quốc hội sáng 21/5 cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình khủng bố trên thế giới có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tuy chưa xảy ra khủng bố do tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện, nhưng đã phát hiện một số âm mưu tiến hành khủng bố của bọn phản động người Việt lưu vong và phát hiện một số đối tượng khủng bố quốc tế làm thủ tục nhập cảnh vào nước ta.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bốvà trên thực tế đã tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống khủng bố, nhưng chưa có văn bản pháp lý dưới hình thức là một đạo luật để điều chỉnh về lĩnh vực này.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa

Dự án Luật Phòng, chống khủng bố được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư. Vì nội dung cơ bản của dự án Luật là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và quyền cơ bản của công dân, nên đã được các đại biểu quốc hội, các cơ quan thẩm tra và UBTVQH quan tâm nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh, bảo đảm các điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ hoạt động phòng, chống khủng bố và hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố trong thời điểm hiện nay.

Đa số kiến cho rằng, việc thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố hoạt động thường xuyên mà không phải khi cần thiết là phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, một số ý kiến đề nghị thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố hoạt động thường xuyên ở hai cấp (cấp quốc gia và cấp tỉnh); một số ý kiến đề nghị duy trì Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố ở một số Bộ, ngành hoạt động như hiện nay.

Có ý kiến đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố ở 3 cấp (trung ương, tỉnh, huyện) hoặc 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố; quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Trưởng ban chỉ đạo hoặc Thường trực Ban chỉ đạo và tương tự là Chỉ huy trưởng quân sự ở cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn Bắc Kạn) cho rằng: Cần xác định rõ ràng về hành vi gây nên khủng bố, bởi không phải hành vi nào của cá nhân, tổ chức cũng là khủng bố.

Để đảm bảo an ninh quốc gia thì cần quy định cấp có thẩm quyền phát hiện và xử lý hành vi khủng bố. Điều này cũng là yếu tố để quy định trách nhiệm của cơ quan phòng chống khủng bố. Theo đó, nên quy định cơ quan phòng chống khủng bố ở Trung ương đến địa phương.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cho rằng, nên thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố ở cấp Trung ương và địa phương. Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố ở cấp Trung ương và tỉnh, thành.

Đại biểu Phạm Hồng Hương (đoàn Hải Dương) nêu ý kiến: Khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố thì cần quy định rõ công việc của Uỷ ban như: hướng dẫn các địa phương phòng chống khủng bố; tư vấn cho các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý các vụ việc khủng bố; huy động các phương tiện, tài sản để thực hiện các hành vi khủng bố, chủ động đối phó với các tình huống khủng bố bất ngờ.

Khác với những ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Công Hồng (đoàn Đồng Nai) cho rằng, không nên thành lập Uỷ ban quốc gia về phòng chống khủng bố mà đơn vị phát hiện, xử lý hành động khủng bố nên giao cho Uỷ ban quốc gia về phòng chống tội phạm. Khi giao cho các đơn vị giải quyết những vấn đề, vụ việc khủng bố thì cần phải quy định rõ trách nhiệm, công việc của từng đơn vị, ban, ngành. Việc làm này nhằm tránh tình trạng công việc chồng chéo lên nhau dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm./.

Theo vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast