Đoàn Đại sứ quán nước Cộng hòa Angola thăm và làm việc tại Hà Tĩnh

Sáng 2/7, Đoàn Đại sứ quán nước Cộng hòa Angola tại Hà Nội do Ngài Joao Manuel Bernardo - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền dẫn đầu có chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh. Đón, làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện Kỳ Anh.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện thông tin cho đoàn một số tình hình về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và công tác xuất khẩu lao động trong thời gian qua. Cùng với thế mạnh là rừng và kinh tế rừng, Hà Tĩnh còn là tỉnh có chiều dài 137 km bờ biển, đó là ngư trường rộng lớn để phát triển các ngành khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản, là tiềm năng phát triển ngành du lịch biển và có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú, đặc biệt là Mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Bên cạnh việc phát huy lợi thế về sự phát triển của hệ thống giao thông đường bộ, Hà Tĩnh còn có lợi thế về phát triển cảng biển với các cảng Vũng Áng, Xuân Hải, cảng nước sâu Sơn Dương...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngyễn Thiện trao tặng Ngài đại sứ bức tranh về cảng Vũng Áng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngyễn Thiện trao tặng Ngài đại sứ bức tranh về cảng Vũng Áng

Đối với công tác XKLĐ, Hà Tĩnh hiện có 4 doanh nghiệp được Bộ LĐ TB&XH cấp giấy phép hoạt động. Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp XKLĐ của tỉnh đưa khoảng 3.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài ,nhưng chủ yếu ở các thị trường lao động Hàn Quốc, Malaixia, Đài Loan, Bắc Phi và Trung Đông. Hiện tại toàn tỉnh có khoảng 2.383 lao động làm việc tại Angola nhưng chủ yếu đi theo hình thức du lịch và thông qua môi giới XKLĐ của Trung Quốc ký hợp đồng với thời hạn từ 2 tháng đến 1 năm.

Hà Tĩnh mong muốn thời gian tới, Chính phủ 2 nước Việt Nam và Angola sớm ký kết nghị định về hợp tác đưa người lao động sang làm việc theo hình thức hợp đồng XKLĐ để tránh rủi ro; đồng thời để nghị Chính phủ Angola cho phép một doanh nghiệp XKLĐ trực tiếp của Hà Tĩnh được làm thí điểm đưa người lao động Việt Nam sang làm việc theo hình thức hợp đồng lao động. Ngoài ra, cho phép những lao động của Việt Nam, trong đó có lao động của Hà Tĩnh hiện đang làm việc tại Angola được phép chuyển đổi sang hình thức làm việc theo hợp đồng với thời hạn tối thiểu là 3 năm.

Thay mặt Đoàn công tác, Ngài Joao Manuel Bernardo cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời chúc mừng những thành quả của Đảng bộ và nhân dân tỉnh trong nỗ lực góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Ngài đại sứ cũng đã ôn lại truyền thống hợp tác hữu nghị giữa 2 nước. Thực tế, Angola vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tái thiết lại đất nước sau 10 năm độc lập. Vì thế rất cần sự giúp đỡ của Việt Nam trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, khai thác... để 2 bên cùng có lợi.

Ngài đại sứ tiếp thu những kiến nghị của Hà Tĩnh, đặc biệt là những băn khoăn trong việc XKLĐ để báo cáo lại với Chính phủ, đồng thời sẽ cố gắng để thúc đẩy quá trình hợp thức hoá vấn đề XKLĐ bằng những văn bản ghi nhớ, ký kết các hợp đồng.

Ngoài ra, ngài đại sứ cũng mong muốn Hà Tĩnh sẽ kết nghĩa với tỉnh Ba – Lăng (vừa là quê hương của Ngài đại sứ vừa là vùng đất có lợi thế về phát triển cây cao su thời kỳ trước chiến tranh).

Sau buổi làm việc, đoàn sẽ thăm Công ty XNK và tham quan cảng Vũng Áng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast